Tình hình phát triển ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

25/03/2022 00:00 Chính sách - Pháp luật
Tốc độ đô thị hoá nhanh cùng với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới, tỉnh Quảng Ninh đang chịu sức ép về ô nhiễm môi trường sinh thái. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2025 Thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025

Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có được như: than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi... Tài nguyên than có trữ lượng khoảng 3,6 tỉ tấn, phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí – Đông Triều, mỗi năm cho phép khai thác khoảng 40-50 triệu tấn. Các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh... có trữ lượng tương đối lớn.

Ngoài ra, Quảng Ninh là một trong những trung tâm sản xuất than, nhiệt điện lớn của cả nước, hiện có 7 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 4,150 MW, chiếm 16% tổng sản lượng điện Việt Nam. Trong đó, chỉ có 2 nhà máy nằm xa khu dân cư là Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 và Mông Dương 2 (TP Cẩm Phả). Thời gian qua, ngành Công nghiệp của Quảng Ninh đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển đúng định hướng, đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy đạt được những thành tựu quan trọng và phát triển toàn diện, song do yêu cầu phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, các tác động môi trường đã trở nên rõ nét, ví dụ như suy giảm chất lượng nước do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải từ hoạt động khai thác than, tác động do chất thải rắn đô thị và chất thải rắn công nghiệp, ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện, xi măng, những tác động tới môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học... Ngành Công nghiệp môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh, nhưng thực tế hiện nay còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển.

tinh hinh phat trien nganh cong nghiep moi truong tren dia ban tinh quang ninh

1. Quản lý, xử lý chất thải

Công tác quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn còn bất cập do hiện nay các bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn hầu hết hết đã quá tải, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã đề xuất địa điểm quy hoạch bãi chôn lấp, khu xử lý chất thải rắn, tuy nhiên khi triển khai thực hiện dự án không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư xung quanh khu vực dự án nên phải điều chỉnh địa điểm, trong khi đó lượng khách du lịch tập trung về Quảng Ninh gia tăng mạnh dẫn đến khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng năm lớn, không kịp thu gom, xử lý dẫn đến phát sinh nhiều tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay tỉnh chỉ có 01 nhà máy đang hoạt động xử lý bằng công nghệ đốt là Nhà máy tại khu Khe Giang, xã Thượng Yên Công; các nhà máy khác như Trung tâm xử lý vùng tại xã Vũ Oai, Hòa Bình huyện Hoành Bồ, nhà máy rác Tràng Lương vẫn đang triển khai xây dựng chưa đi vào hoạt động.

2. Thoát nước và xử lý nước thải

tinh hinh phat trien nganh cong nghiep moi truong tren dia ban tinh quang ninh
Trạm xử lý nước thải Hà Tu – Hạ Long

Trên địa bàn tỉnh duy nhất mới chỉ có thành phố Hạ Long được đầu tư 05 trạm xử lý nước thải tập trung, việc đấu nối nước thải được UBND thành phố Hạ Long giao cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích thực hiện ký hợp đồng với các hộ kinh doanh là nhà hàng, khách sạn (năm 2018, 2019 ký hợp đồng với 20 đơn vị). Đối với các hộ gia đình chủ yếu xử lý nước thải cục bộ bằng bể phốt 3 ngăn tại các công trình kiến trúc sau đó chảy ra hệ thống thoát nước ngoài nhà của các hộ gia đình ra hệ thống cống chung dẫn đến trạm xử lý.

Đối với các huyện, thị xã và thành phố không có trạm xử lý nước thải tập trung: Tại các hộ gia đình xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh tương tự như các hộ gia đình tại thành phố Hạ Long (nước thải được xử lý sơ bộ qua bể phốt 3 ngăn) sau đó được xả ra hệ thống thoát nước chung và ra nguồn tiếp nhận; đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phải đầu tư hệ thống xử lý để xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

3. Xử lý chất thải nguy hại

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh chủ yếu từ hoạt động khai thác khoảng sản, sản xuất công nghiệp, y tế, xăng dầu... Phần lớn, CTNH phát sinh thuộc các nhóm: thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng; chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị; dầu mỡ thải; pin, ắc quy thải; các loại bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc.

Theo kết quả báo cáo quản lý CTNH năm 2018 của 218 đơn vị, khối lượng CTNH phát sinh năm 2018 là 9.481.612,45kg (trong đó các loại CTNH phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp là 6.397.604,36kg, từ lĩnh vực y tế là 2.787.018,75kg và 296.988,34kg CTNHH phát sinh từ các hoạt động khác) trên tổng số 412.116.732,71kg CTNHH đã đăng ký được cấp Sổ Chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tính đến hết năm 2018. 95% tổng số lượng CTNHH phát sinh nêu trên đã được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý CTNH để xử lý theo quy định (riêng các loại chất thải y tế nguy hại: nước thải, chất thải rắn) được các bệnh viện tự xử lý; còn lại 5% luongj CTNH phát sinh của các đơn vị do mới phát sinh với khối lượng ít (<20kg>

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 01 đơn vị duy nhất là Công ty TNHH MTV Môi trường – TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý CTNH với mã số CLCTNH 2.106.VX thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý các loại CTNH cho các chủ nguồn thải trên địa bàn hoạt động được cấp phép; các đơn vị ở địa phương khác được Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý CTNHH đang hoạt động, thực hiện thu gom, xử lý CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm có 14 đơn vị.

4. Chế tạo thiết bị, sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường, thân thiện môi trường

Quảng Ninh là tỉnh có những thuận lợi về nguồn tài nguyên khoáng sản than đá thì đi kèm với đó là lượng đất đá thải mỏ ra môi trường hàng năm khoảng 200 triệu tấn. Bên cạnh đó, việc sử dụng than trong các nhà máy nhiệt điện hàng năm thải ra môi trường khoảng 5 triệu tấn tro xỉ, thải nhiệt điện. Việc xử lý đất đá thải mỏ của ngành Than đang được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm trong thời gian hiện nay. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng 2030, nhu cầu sử dụng cát xây dựng, cát san lấp mặt bằng các công trình rất lớn (giai đoạn 2018-2020 cần khoảng 8 triệu m3 cát xây dựng, 40 triệu m3 san lấp; giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 31 triệu m3 cát xây dựng; 160 triệu m3 cát san lấp). Trong khi đó, nguồn cung cấp cát xây dựng, cát san lấp hạn chế; cần thiết có các giải pháp chủ động thay thế nguồn cung cát xây dựng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Thiên Nam đã được UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty CP Than Cọc Sáu để sản xuất cát nhân tạo. Đây sẽ là nguồn cát xây dựng bổ sung lớn cho thị trường xây dựng tại Quảng Ninh ở thời điểm hiện nay và thời gian tới.

Quảng Ninh đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” nhiều dự án lớn sẽ được triển khai nên nhu cầu cát xây dựng, cát san lấp trong thời gian tới là rất lớn. Việc nghiên cứu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất là từ bãi thải mỏ của ngành Than, tro xỉ thải nhiệt điện làm vật liệu xây dựng là hết sức cần thiết, góp phần tiết kiệm tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc sản xuất gạch không nung cũng là một trong những sản phẩm thân thiện môi trường, tuy nhiên hiện nay tỉnh cũng chỉ có 01 đơn vị thực hiện sản xuất do nhu cầu đầu ra chưa cao.

5. Đề xuất một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

Hoàn thiện khung chính sách, pháp lý: Đề nghị Bộ, ngành, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn chỉ đạo hoàn thiện đề tài KHCN cát nghiền nhân tạo để ứng dụng rộng rãi; nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng. Tỉnh Quảng Ninh cũng cam kết sẽ phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN sản xuất vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường.

Áp dụng công nghệ tiên tiến vào giám sát chất lượng môi trường và quản lý tài nguyên; tập trung đầu tư quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn, kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Nghị định số 38/2015-NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải.

Đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm xử lý nước thải, chất thải rắn và phục hồi môi trường dân sinh. Ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó sự cố môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải phát sinh trong sản xuất.

TH
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động