Ứng phó với sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long

11/10/2019 10:33 Tác động môi trường
Để đối phó với vấn đề sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu Triều cường gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL

ĐBSCL là vùng đất chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, đang đối mặt với tình trạng hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho lũ, xâm nhập mặn và sạt lở; tác động của phát triển thủy điện và khai thác nước ở các quốc gia thượng nguồn và cả sự gia tăng tình trạng khai thác cát, sỏi, nước mặt đất ở khu vực này. Đặc biệt, sụt lún mặt đất, nhất là sụt lún mặt đất ở các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… cũng là một trong những vấn đề được các cấp lãnh đạo ở Trung ương, địa phương và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

ung pho voi sut lun tai dbscl
Sạt lở tại quốc lộ 91, đoạn qua tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Sơn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đối phó với vấn đề sụt lún ĐBSCL, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất; đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối trên cả tuyến sông, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hoạt động khai thác cát trái phép và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thuỷ lợi; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan; đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách và triển khai đồng thời biện pháp ứng phó bền vững, dài hạn; di dân, tái định cư khỏi các vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Đối với bờ biển ưu tiên giải pháp mềm như: nuôi, giữ bãi, trồng rừng ngập mặn, ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp đảm bảo bền vững, không gây sạt lở lan truyền. Đặc biệt, cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL nhằm tích hợp và chia sẻ các nguồn dữ liệu ĐBSCL phục vụ hỗ trợ ra quyết định, nghiên cứu khoa học; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL; tăng cường quan trắc và nghiên cứu tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và gia tăng sụt lún tại ĐBSCL, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/NĐ-CP về Hạn chế khai thác nước dưới đất; hoàn thành nhiệm vụ Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong và tăng cường hợp tác với các quốc gia ven sông Mekong.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khảo sát, thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu và giải pháp thích ứng với lún đất ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai, gồm: Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản BĐKH và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL; Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất ĐBSCL trong điều kiện BĐKH (2017-2021) vốn vay Ngân hàng Thế giới tập trung nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất đồng bộ và hiện đại gồm 159 công trình quan trắc trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL; Đề án Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt, lún bề mặt đất khu vực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất” được triển khai từ năm 2018, dự kiến kết thúc năm 2020.

Để giảm tình trạng hạn hán, nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ĐBSCL, cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính như: Xây dựng và sớm ban hành Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công; nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước, giám sát biến động bùn, cát trên sông Mê Công; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng, chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông; xây dựng, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn, qua đó giảm dần việc khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như hiện nay.
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động