Về miền cổ tích Ngọc Chiến

08/07/2024 08:31 Kinh tế, xã hội
Nằm cách thành phố Sơn La khoảng 80km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La (tỉnh Sơn La) nhưng luôn ẩn chứa những điều diệu kỳ, từ cảnh vật cho tới con người, khiến bất cứ ai đã từng một lần đặt chân đến đây đều khó có thể quên. Ngọc Chiến đã trở thành một trong những điểm đến được yêu thích bậc nhất của tỉnh Sơn La trong vài năm trở lại đây.

“Hãy tới đây nghe gió kể chuyện, nghe suối tâm tình” là lời giới thiệu của người dân nơi đây, khi muốn thuyết phục du khách thập phương ghé thăm miền quê cổ tích của núi rừng Tây Bắc. Sau khi vượt qua dãy núi đá hùng vĩ Sam Síp, qua 30 khúc cua uốn lượn mềm mại vắt ngang lưng chừng núi, Ngọc Chiến hiện ra trước mắt du khách với bầu không khí trong lành mát lạnh, với những dải mây bông xốp mềm mại giăng mắc từ cánh rừng sơn tra tới cây sa mu nghìn tuổi, từ đồng lúa nếp Tan đang thì con gái tới những khoảnh đất rực rỡ sắc hoa…

Về miền cổ tích Ngọc Chiến
Miền quê cổ tích Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Bản hòa ca từ thiên nhiên

Đặt chân tới Ngọc Chiến, du khách bị cuốn hút ngay bởi những chiếc guồng nước ở các bản Khua Vai, Mường Chiến, bản Lướt và bản Phày đã đậm mầu thời gian, những mái nhà lợp ngói pơ mu thâm nâu trầm mặc, những chiếc cổng chào xếp bằng đá đầy ngẫu hứng… Bước qua những tảng đá xếp dài và cầu tre bắc ngang suối Chiến, ngồi bên chiếc chòi nhỏ, ngắm nhìn guồng nước lớn quay đều, tiếng nước suối chảy róc rách, hương cơm nếp len lỏi theo cơn gió mùa hạ… cảm giác bình yên lạ thường.

Hầu hết các bản làng của Ngọc Chiến nằm trong các thung lũng, bao quanh là những cánh rừng xanh tốt, đem đến khí hậu mát mẻ quanh năm ở mức 23 độ C, Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt hay Sa Pa của núi rừng Tây Bắc bởi khí hậu quanh năm mát mẻ. Du khách sẽ được hưởng trọn bốn mùa chỉ trong một ngày cũng là “đặc sản” mà thiên nhiên nơi đây hào phóng ban tặng. Sở hữu tới 12 nghìn ha rừng nguyên sinh trong đó phần lớn là pơ mu, Ngọc Chiến được coi là xứ sở của loại cây nằm trong Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996. Cây pơ mu cao từ 25 đến 30m và có tinh dầu thơm nên độ bền rất cao, không bị mối mọt.

Về miền cổ tích Ngọc Chiến
Điểm du lịch cộng đồng suối khoáng nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến

Đầu hè, núi đồi Ngọc Chiến phủ trắng sắc hoa sơn tra, cuối thu đỏ rực mầu quả chín, mỗi năm cung cấp tới cả nghìn tấn quả. Cánh đồng Mường Chiến bằng phẳng, màu mỡ trải rộng gần 350ha là nơi giống lúa nếp Tan đặc sản chỉ được thu hoạch bằng cách hái từng bông, không dùng liềm cắt. Loại nếp dẻo thơm từng hạt, ăn một lần là nhớ mãi này thậm chí còn được đánh giá ngon hơn cả nếp Tú Lệ nên không bao giờ thiếu vắng trong mâm cơm đãi khách từ phương xa.

Tiếp tục hành trình, du khách trải nghiệm tắm suối khoáng nóng tự nhiên với nhiệt độ từ 30 đến 70 độ C có thể cũng là một thử thách mà ban đầu không phải du khách nào cũng thích. Nhưng khi đã quen dần với làn nước nóng bỏng, cảm giác khỏe khoắn, nhẹ nhõm, dễ chịu mà nguồn khoáng tự nhiên mang lại lan tỏa khắp cơ thể, mang lại những trải nghiệm thật khó quên.

Kiến trúc “xanh” đậm dấu ấn văn hóa bản địa

Ngọc Chiến còn được biết đến là vùng đất của những công trình và kiến trúc “xanh” độc đáo mà bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Đó là những ngôi nhà truyền thống mái lợp pơ mu, những chiếc cổng chào độc lạ, bức tường nhà kết bằng đá… Những chiếc cổng chào ở Ngọc Chiến là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy, chúng được tạo nên từ những vật liệu bình dị, thân thuộc trong thiên nhiên và do nhân dân tự làm. Ngoài việc để nhận diện bản, là ranh giới giữa các bản, cổng chào còn là niềm tự hào của bà con và trở thành điểm check-in thu hút du khách khi tới tham quan bản.

Về miền cổ tích Ngọc Chiến
Mái nhà lợp ngói pơ mu ở Ngọc Chiến

Mỗi ngôi nhà ở Ngọc Chiến cũng là một công trình độc đáo. Người dân tộc Thái nơi đây đều sống trong những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ pơ mu với kiểu kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh tế. Mỗi ngôi nhà được chia làm 3 đến 5 gian để sinh hoạt, ngủ, nghỉ; 1 gian thờ tổ tiên, 1 gian của ông bà, các gian còn lại cho bố mẹ, vợ chồng và con cháu, được ngăn cách nhau bằng rèm hoặc vách gỗ. Mái nhà lợp ngói pơ mu xếp đều tăm tắp, người dân nơi đây phải chẻ gỗ thành kẽ, sau đó dùng nêm tách thành từng tấm ván thẳng và đều theo thớ gỗ mà không cần cưa. Trên nhiều mái nhà, bụi đất bịt kín khe gỗ khiến cây cỏ, rêu phong phủ xanh rì nhìn rất đẹp mắt. Cây pơ mu bao phủ quanh các bản làng nên không chỉ nhà sàn mà các vật dụng thường nhật như chậu, chum, vại, máng chứa nước, hàng rào… cũng đều được người dân làm từ vật liệu tự nhiên thân thiện này. Người Mông chọn nhà trình tường bằng đất, cột thấp, quá giang thông thủy và người La Ha dựng kiểu nhà sàn hai gian được ngăn giữa bởi cây cột nhà và hũ rượu cần. Nét văn hóa độc đáo bao đời tích tụ và trao truyền được những tộc người nơi đây gìn giữ vẹn nguyên.

Đến Ngọc Chiến mùa nào cũng đẹp, ở nơi đây luôn chìm trong sương mù ảo ảnh, như nằm ở điểm giao thoa của đất và trời, nhưng khắp nơi nơi nhựa sống vẫn ngày ngày tuôn chảy, cỏ cây tốt tươi, con người hiền hòa sống trong những mái nhà pơ mu nằm im lìm bên con suối nhỏ, khiến người ta như lạc vào một chốn cổ tích, nơi mà những muộn phiền như cũng tan theo tiếng gió bay, chỉ thấy trong tim là những điều diệu kỳ đang hiển hiện.

Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động