Vĩnh Phúc đầu tư hạ tầng giao thông thúc đẩy kinh tế - xã hội miền núi phát triển

27/07/2021 14:28 Địa phương
Trong những năm qua, từ nguồn vốn Trung ương, các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, miền núi với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện đến các xã, thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.
vinh phuc dau tu ha tang giao thong thuc day kinh te xa hoi mien nui phat trien
Gần 54% trục chính giao thông nội đồng ở Hợp Lý đã được cứng hóa

Trở về Hợp Lý, đi trên những con đường trải asphalt, đổ bê tông sạch sẽ, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của một xã miền núi nhờ các chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chỉ 10 năm trước đây, ai đến Hợp Lý đều ấn tượng với những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa nên việc đi lại rất khó khăn chưa nói đến vận chuyển hàng hóa, hoạt động giao thương của người dân. Từ khi có chính sách phát triển giao thông, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt nông thôn xã Hợp Lý thay đổi từng ngày, đời sống người dân ổn định, ngày càng nâng cao. Hiện toàn xã có hơn 90% đường xóm ngõ được đổ bê tông, lát gạch; 4,3/8 km trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa, đạt 53,8%; hơn 50% hệ thống kênh mương toàn xã được cứng hóa. Bên cạnh đó, quốc lộ 2C cũng được nâng cấp, mở rộng, thuận tiện cho người dân đi lại, buôn bán, không chỉ tác động tích cực đến phát triển các ngành dịch vụ, thương mại mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được nâng cao”. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa đã đạt gần 100%. Người dân bắt đầu áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy với tỷ lệ cấy máy đạt 10% - 15%; trong xã đã bắt đầu xuất hiện các mô hình sản xuất quy mô lớn. Mặc dù hiện nay, các hộ dân chuyển dần sang phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhưng do sản xuất nông nghiệp thuận tiện, dễ dàng hơn trước bởi hệ thống giao thông nội đồng được cứng hóa nên tỷ lệ bỏ ruộng rất ít. Năm 2020, tổng giá trị thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp của xã đạt 100 tỷ đồng.

Thời gian qua, huyện Lập Thạch luôn quan tâm thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh. Riêng giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã huy động, đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến huyện lộ, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa được gần 700km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông thôn, xóm được cứng hóa lên 85,6%; đường huyện, liên trục xã, liên xã đạt 100%; đường nội đồng đạt gần 70%, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, giao thương.

Với quan điểm hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư, những năm qua, Lập Thạch đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông lớn như: Đường rừng kính – Hoa Sơn; đường ĐT.305 Trường nghề đi ĐT.306; đường từ nút giao cao tốc tại xã Văn Quán đi cầu Phú Hậu; cải tạo, nâng cấp đường ĐT.306 từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường từ ĐT.307 đi hồ Vân Trục... Ngoài ra, huyện cũng triển khai quy hoạch giao thông cho 7 đô thị loại V, được UBND tỉnh phê duyệt bao gồm: Thị trấn Lập Thạch, thị trấn Hoa Sơn, xã Sơn Đông, xã Văn Quán, xã Bàn Giản, xã Xuân Lôi, xã Hợp Lý. Đặc biệt, việc nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được mở tại xã Văn Quán và tỉnh đầu tư xây dựng đường 24m từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch là một trong những thuận lợi lớn để huyện kết nối đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội.

Là xã có địa bàn rộng, tỷ lệ đồi núi cao của huyện Sông Lô, những năm qua, từ nguồn vốn của tỉnh, của huyện và địa phương, Tân Lập đã tập trung xây dựng giao thông nông thôn, đến nay, xã đã cứng hóa được hơn 90% đường giao thông nông thôn, còn 8km đường ngõ xóm chưa cứng hóa. Ông Lê Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho giao thông nông thôn trên địa bàn xã Tân Lập là hơn 30 tỷ đồng; trong đó, người dân đóng góp hơn 60 triệu đồng tiền mặt, 11.500m2 đất, gần 3.000 ngày công lao động. Hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của vùng đồng bằng sông Hồng, xã tích cực vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, dự kiến đến hết năm 2021, tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn xã đạt 100%.

Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 02 và Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2017-2020, huyện Sông Lô đã huy động gần 150 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn; trong đó, nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng tiền mặt, 2.350 ngày công lao động và hiến gần 53.200m2 đất. Từ một huyện có tỷ lệ đường giao thông nông thôn thấp nhất tỉnh, 12,8% năm 2009, đến nay, 100% tuyến đường huyện, đường trục chính của các xã; gần 90% đường trục thôn, hơn 80% đường ngõ xóm và 65% đường trục chính nội đồng của Sông Lô được cứng hóa, thảm nhựa, góp phần thay đổi mạng lưới giao thông của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trên địa bàn.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo, xây mới nhiều công trình giao thông như: Tuyến Văn Quán - thị trấn Sông Lô; Đồng Thịnh - Yên Thạch; Đồng Thịnh - Tứ Yên; đường từ nút giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trung tâm huyện lỵ và đi khu công nghiệp Sông Lô I; cải tạo tỉnh lộ 307, đoạn từ xã Nhạo Sơn đi Quang Yên; đường 307 B, đoạn từ Nhạo Sơn đi Tam Sơn; các tuyến đường nội thị; đường dẫn vào các khu, cụm công nghiệp; đường liên xã Phương Khoan, Nhân Đạo, Lãng Công… bảo đảm giao thông thuận lợi, thông suốt dẫn đến các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, dịch vụ và các đầu mối giao thông cửa ngõ của huyện. Năm 2021, Sông Lô tiếp tục triển khai nhiều tuyến giao thông huyết mạch khác như: Tuyến đường huyện 55 từ đường tỉnh 307 đi đường du lịch huyện Sông Lô; đường tỉnh 307 đi hồ Bò Lạc; đường tỉnh 307B đi xã Yên Thạch, xã Như Thụy; đường huyện 60 đoạn từ đê tả sông Lô đi nghĩa trang xã Nhân Đạo và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khác với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kết nối liên thông với các địa phương, trong khu vực, tạo thuận lợi cho Sông Lô thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 cơ sở, 49 doanh nghiệp, 10 xưởng may gia công hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện năm 2020 đạt gần 3.000 tỷ đồng.

vinh phuc dau tu ha tang giao thong thuc day kinh te xa hoi mien nui phat trien
Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ góp phần kết nối phát triển kinh tế -xã hội các xã miền núi

Xác định quan điểm hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư, ngay từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực miền núi, để góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội và rút ngắn khoảng cách vùng miền. Trong đó, tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2010; Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải đường bộ giai đoạn 2003 - 2010, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và giai đoạn 2017 - 2020; cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nội đồng giai đoạn 2011-2020, tạo ra phong trào cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn rộng khắp ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được 4.000 km đường giao thông nông thôn, đạt 94,2%. Trong đó, 100% đường huyện, 100% đường trục xã, 89% đường trục thôn, ngõ xóm và 80% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa.

Không chỉ các địa phương ở khu vực đồng bằng, hiện các huyện miền núi như: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đều đã hình thành các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn. Như vậy, với việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giao thông nông thôn khu vực miền núi đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Hạ tầng giao thông đồng bộ còn kết nối vùng miền, tạo sự thông suốt để các địa phương miền núi phát huy lợi thế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế -xã hội.

Toàn tỉnh hiện có gần 4.200 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 439km đường huyện, hơn 3.700km đường trục xã, trục thôn và đường ngõ xóm. Giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cứng hóa toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Phấn đấu 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo vinhphuc.gov.vn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động