Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống và sản xuất

23/11/2022 07:59 Nghiên cứu, trao đổi
Nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã có có 41 sản phẩm cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh có 22 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Từ năm 2020- 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai 109 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Xã hội nhân văn, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, y - dược, bảo vệ môi trường, công nghiêp và dịch vụ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu đã giải quyết các vấn đề cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó có việc cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống và sản xuất
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP từ năm 2019.

Nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt từ giống cây trồng đến quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng các chế phẩm vật tư phân bón thế hệ mới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Những tiến bộ kỹ thuật tiêu biểu được đưa vào thực tiễn như: Áp dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô (chuối tiêu hồng, hoa lan...); ứng dụng ghép cà chua lên gốc cây cà tím, dưa hấu ghép trên gốc bầu, sử dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng; sản xuất nấm ăn; sử dụng các chế phẩm vi sinh; áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây lúa, rau, ngô, cây ăn quả,... góp phần quan trọng giảm hẳn việc sử dụng thuốc trừ dịch hại, bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, giữ được cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu sự độc hại cho môi trường và con người; hay ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho cây thanh long, cây cam trên vùng đất đồi theo công nghệ Israel để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ lực của từng địa phương, tạo ra sản phẩm an toàn như: Bí đỏ, bí xanh, huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Dương; dưa chuột, cà chua, dưa hấu ở một số địa phương huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc; su su an toàn huyện Tam Đảo; thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch; vùng trồng bưởi, chuối ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường… Sản phẩm trồng trọt đã đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung cấp lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, trong những năm qua, đã có có 41 sản phẩm cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh có 22 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh như: Bộ sản phẩm sữa ong chúa - mật ong hoa quả - mật ong nano curcumin; bộ sản phẩm viên tinh bột nghệ mật ong Tam Đảo, bột mầm đậu nành Tam Đảo; bộ sản phẩm phân bón Phú điền bón lót; tấm sàn gỗ tự nhiên; gốm Hồn việt; thực phẩm bảo vệ sức khỏe TACUMIN; trà hoa vàng Tam Đảo… Trong đó có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Trong lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; nhân lực y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để các bác sỹ tiếp cận các công nghệ mới giúp thực hiện thành công các kỹ thuật công nghệ cao trong khám, chữa bệnh như: Tán sỏi ngoài cơ thể, kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, phương pháp phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ bằng công nghệ PPH và HCPT, thụ tinh trong ống nghiệm...

Ngoài ra, với việc triển khai một số dự án khoa học và công nghệ quy mô lớn đã tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên địa bàn. Từ năm 2020 - 2022, tỉnh đã kêu gọi được nguồn vốn của Trung ương đầu tư thực hiện 3 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 ‑ 2025, với tổng kinh phí 20,5 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương 9,26 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp. Các dự án chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề chính: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Từ năm 2020 - 2022, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ với tổng nguồn vốn 5,1 tỷ đồng. Năm 2021- 2022, Sở khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động nghiên cứu khoa học với tổng số tiền 9,14 tỷ đồng; triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã năm theo 7 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng số tiền 7,4 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã triển khai áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trong thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và nhà kinh doanh.

Công tác chuyển giao công nghệ được các doanh nghiệp chú trọng, nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và đăng ký với cơ quan quản lý. Trong 2 năm 2021- 2022, có 8 hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại Sở Khoa học và Công nghệ với thời hạn thực hiện từ 5 - 10 năm, tổng kinh phí 874,27 tỷ đồng.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động