Vĩnh Phúc kỳ vọng tạo ra bứt phát trong tăng trưởng kinh tế - xã hội

12/07/2023 10:42 Địa phương
Bằng sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trước các khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đang kỳ vọng tạo ra bứt phát trong tăng trưởng kinh tế...

Nhận định rõ các khó khăn, thách thức nên ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 03 ngày 12/1/2023 với kịch bản tăng trưởng theo từng quý; giao 95 chỉ tiêu KT - XH và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bám sát thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Vĩnh Phúc kỳ vọng tạo ra bứt phát trong tăng trưởng kinh tế - xã hội
Bằng sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trước các khó khăn, Vĩnh Phúc đang kỳ vọng tạo ra sự bứt phát trong tăng trưởng kinh tế.

UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, giải ngân vốn; quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của từng dự án và xây dựng kế hoạch, lộ trình tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh, hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến độ bồi thường, GPMB, giải ngân vốn...

Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 10,8 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt 2,88 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (34,3%), tuy nhiên vẫn thấp so với tổng vốn.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được chú trọng. Cùng với việc tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, tìm hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện tử, ô-tô, xe máy, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản; tiếp đón, làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các DN đến tìm hiểu môi trường của tỉnh.

Nhờ vậy, kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so cùng kỳ năm trước và số vốn DDI đã vượt gấp đôi so với kế hoạch năm.

Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút được gần 360 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 60,5% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 89,9% kế hoạch; thu hút được hơn 11 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 42,7% so cùng kỳ và vượt 2,2 lần so kế hoạch.

Một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD; nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni-Calsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD…

Tính đến hết tháng 6/2023, số DN đăng ký thành lập mới ước khoảng trên 800 DN với tổng số vốn đăng ký trên 6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% về số DN so cùng kỳ năm trước; có 197 DN tham gia quay trở lại thị trường.

Đáp ứng tốt nhu cầu về vốn SXKD, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; tổ chức các hoạt động kết nối DN; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ...

Ước đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 117 nghìn tỷ đồng, tăng 6,77% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay đạt 121 nghìn tỷ đồng; tăng 4,5% so với cuối năm 2022.

Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến đơn hàng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu giảm, song sang quý II, tình hình SXKD của các DN có xu hướng khả quan.

Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp giảm 1,68% so với cùng kỳ, làm giảm 0,76 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh.

Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... tiếp tục được triển khai tích cực.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động; nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế của địa phương.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động