Vĩnh Phúc: Tầm nhìn chiến lược để phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực

31/05/2023 11:14 Tăng trưởng xanh
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa ban hành Chương trình hành động số 46 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ về phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới năm 2030 Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; không ngừng nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Thủ đô, hệ thống cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc đã được quy hoạch và đầu tư khá đồng bộ. Hệ sinh thái về cơ sở hạ tầng mềm (các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; khu vui chơi giải trí; trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm thử nghiệm) ngày càng được quan tâm, đầu tư phát triển.

Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với việc phát triển hạ tầng KT – XH được ví như một cuộc đua tranh tích cực, thúc đẩy đổi mới, tỉnh đã tính đến sự dịch chuyển về phát triển vùng khi các KCN, CCN mới được thành lập, đầu tư và đi vào hoạt động ở nhiều huyện, thành phố từ khi tái lập tỉnh.

Vĩnh Phúc: Tầm nhìn chiến lược để phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực
Một góc đô thị Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhờ đó, giai đoạn 2011 - 2020, GRDP bình quân đầu người của Vĩnh Phúc tương đương với các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, thậm chí cao hơn Hải Phòng. Thu nhập bình quân của người dân Vĩnh Phúc tăng lên rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2020, trung bình tăng 10,67%/năm, cao nhất trong các tỉnh vùng ĐBSH.

Điểm nhấn trong phát triển hạ tầng KT - XH của tỉnh phải kể đến vai trò “đi trước mở đường” của ngành giao thông vận tải (GTVT). Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.300km đường bộ gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, phát huy vai trò quan trọng trong kết nối các khu vực kinh tế của tỉnh với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia.

Xác định ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình giao thông có tính lan tỏa, kết nối vùng, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về việc Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, như mở rộng đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Vành đai 2 đến cầu Quảng Khai (KCN Thăng Long - Bình Xuyên); đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ ĐT.306 đi ĐT.307; xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; cải tạo, nâng cấp ĐT.306 đoạn từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch…

Theo Chương trình hành động số 46 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để quy hoạch, đầu tư mở rộng Quốc lộ 2 đoạn chạy qua tỉnh để nâng cao khả năng kết nối giao thông với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Phú Thọ và đặc biệt là sân bay quốc tế Nội Bài; Quốc lộ 2C đoạn tuyến đi trùng đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô; nâng cấp, cải tạo, mở mới đối với đường gom song song hai bên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nhằm gia tăng kết nối liên tỉnh theo hướng trục Đông Tây giữa Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ; tuyến đường cảnh quan ven chân núi Tam Đảo kết nối các điểm du lịch trọng điểm phía đông và với Thủ đô Hà Nội...

Thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ về phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành Trung ương trong việc lập và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tăng chi đầu tư cho các dự án động lực, vì lợi ích chung của địa phương và của vùng.

Đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSH và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để hướng tới mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước về công nghiệp điện tử, vật liệu mới…; đặc biệt khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường.

Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp, bắt kịp với nhu cầu phát triển trong tương lai.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động