Xu thế phát triển bền vững kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ

03/07/2020 14:38 Tăng trưởng xanh
“Nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong phát triển kinh tế biển mà các địa phương cần quán triệt. Không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ việc bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”, PGS.TS. Trương Minh Dục - Học viện Chính trị khu vực III nhấn mạnh tại Hội thảo về Phát triển bền vững kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ vừa được tổ chức ngày 30/6 tại Đà Nẵng.
Tập trung ưu tiên các khâu đột phá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững
xu the phat trien ben vung kinh te bien o duyen hai nam trung bo
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thế Phong

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở mức độ khác nhau để phát triển bền vững kinh tế biển. Đặc biệt,

Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo.

Bên cạnh đó, môi trường biển đang chịu nhiều thách thức khi các địa phương, cư dân ven biển ngày càng gia tăng các hoạt động kinh tế ven biển. Nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ khu công nghiệp, khu đô thị thải ra và ngày càng gia tăng tần suất cũng như mức độ ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu. Vì thế, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, thách thức, từ đó đề xuất những định hướng, giải pháp khả thi trong phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Theo PGS,TS Nguyễn Ngọc Hoà- Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý ở một số địa phương cùng trao đổi, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước, chính quyền các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách nhằm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Để phát bền vững kinh tế biển, PGS.TS. Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III cho rằng các tỉnh cần quán triệt sâu sắc Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển để thúc đẩy sự phát triển của vùng và cả nước, tạo ra việc làm thu hút lao động và thúc đẩy thủy sản phát triển.

Song song với đó, phát triển thủy sản một cách bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh, thành phố trong vùng. Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm, cua và các đặc sản cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Phát triển nghề cá của vùng gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động dân cư nông thôn miền biển. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch biển, đảo ngày càng hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; làm tốt công tác quy hoạch và liên kết giữa các vùng miền và các quốc gia, tạo điều kiện để phát triển du lịch biển, đảo; khai thác tài nguyên du lịch biển đảo một cách hợp lý, không được phép làm suy giảm cạn kiệt tài nguyên, phá huỷ môi trường.

Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng, phát triển bền vững kinh tế biển cần chú trọng bảo tồn không gian, thiết chế văn hóa miền biển. Phát triển bền vững không được lấy tiêu chí nhanh làm nhân tố duy nhất mà phải lấy tiêu chí hài hòa làm cốt lõi. Tăng trưởng nhanh để phủ nhận, tước bỏ quá khứ, vùi lấp truyền thống và ký ức văn hóa sẽ làm tổn thương tinh thần cho một cộng đồng có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa biển.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động