50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường
Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố nhưng cho tới nay, những giá trị lý luận và thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn còn nguyên giá trị. Di chúc của Người là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Một nội dung cốt lõi, bao trùm trong Di chúc đó là phần viết về bảo vệ môi trường - vấn đề thời sự, mang tính cấp bách toàn cầu hiện nay. Những giá trị đó còn mãi tới hôm nay và mai sau.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. (Ảnh tư liệu) |
Trong bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật” được Người bắt đầu chắp bút năm 1965, nội dung bảo vệ môi trường được đề cập: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp...” (Di chúc năm 1965). Người quan niệm, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường… Đến năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay, trong đó nêu rõ: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến, vì như thế, vừa đảm bảo vệ sinh, lại không tốn đất…”. Có thể thấy, nét đẹp về trồng cây và bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang đối diện với nhiều vấn đề bức xúc về môi trường.
Thực hiện di huấn của Người, Đảng ta nêu rõ: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Cùng với đó, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và chương trình, dự án đầu tư; yêu cầu các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Đồng thời, quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững; chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ trái đất..."
Để hiện thực hóa chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, hiện nay, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường; chủ động tham gia các hội nghị đối tác về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen - Đan Mạch và nhiều hội nghị quốc tế khác liên quan đến vấn đề môi trường. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện, tiêu biểu như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và nhiều văn bản dưới luật được công bố, góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, dưới nhiều hình thức như ra bản tin, đưa vào quy ước, hương ước cộng đồng, tổ chức các cuộc thi, liên hoan phim về môi trường... Hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường không chỉ dừng lại ở hình thức sinh hoạt mang tính văn hóa - xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hằng năm mỗi dịp Tết đến, xuân về, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn duy duy trì phong trào Tết trồng cây trên khắp cả nước, coi đó là nét đẹp truyền thống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, góp phần bảo vệ môi trường, chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trồng cây tại tỉnh Hòa Bình hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019. (Ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đó là nạn phá rừng bừa bãi xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi, nhiệt độ trái đất tăng cao, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất...; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề thủ công gia tăng; dân số tăng nhanh cũng là áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, phế liệu ồ ạt, có nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi thải cho hàng hóa kém chất lượng, không thân thiện với môi trường… ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Thực tế này đòi hỏi, mỗi công dân Việt Nam phải học tập và làm theo những lời dạy, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ gìn môi trường, để lời dạy của Người về bảo vệ môi trường trong Di chúc được thực hiện hiệu quả nhất.
Một đất nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…; chủ động hội nhập quốc tế và ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người không chỉ là một nhà tiên tri châu Á báo trước công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức, bóc lột, Người còn nhìn thấy và căn dặn thế hệ đi sau những việc làm cần thiết để xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh hơn, văn minh hơn. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.