Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ tiến tiến xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên thế giới
Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả bài toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt |
1. Các phương pháp, công nghệ xử lý rác hiện nay
Có thể tạm chia ra năm phương pháp xử lý rác đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay là: (1) chôn lấp, (2) sản xuất phân compost, (3) đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, (4) đốt rác phát điện và (5) biogas.
- Công nghệ chôn lấp đang phổ biến đã gây quá tải cho quỹ đất sử dụng cho bãi rác chôn lấp.
- Công nghệ chế biến phân compost, phân vi sinh có nhiều hạn chế khi công đoạn phân loại rác chưa triệt để, dễ lẫn kim loại nặng trong phân vi sinh và nó chỉ phù hợp cho bón cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc hoa màu có thể làm chết cây và gây ô nhiễm môi trường đất. Phân bón sản xuất ra khó tìm nơi tiêu thụ.
- Công nghệ đốt rác thủ công (thiêu hủy rác không phát điện) đã được sử dụng ở một số nơi gây ô nhiễm không khí trầm trọng và đã bị cấm do không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia
- Công nghệ biogas là phương pháp ủ vi sinh, tạo khí Metan NH4 rồi nung lò hơi phát điện. Công nghệ này khá sạch, phù hợp với loại rác hữu cơ. Tuy nhiên do rác thải sinh hoạt của Việt Nam chưa được phân loại, lẫn nhiều ni lông và các chất vô cơ nên khả năng tạo khí khá thấp. Một nhà máy sử dụng công nghệ này đã phải dừng hoạt động tại Quảng Bình.
2. Thách thức đối với việc áp dụng phương pháp, công nghệ tiến tiến trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên thế giới vào Việt Nam
Các công nghệ mới, tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới hiện nay là lò đốt có thu hồi năng lượng. Đặc điểm của công nghệ này bên cạnh chức năng thiêu hủy chất thải thì năng lượng phát sinh được dùng để sản xuất điện hoặc thu hồi năng lượng cho mục đích khác, chất rắn phát sinh dùng để làm phân bón, đồng thời tiết kiệm quỹ đất so với phương pháp chôn lấp.
Rác sinh hoạt ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nên cần có công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý |
Tuy nhiên, do đặc điểm rác sinh hoạt ở Việt Nam khác xa với rác thải ở các nước châu Âu và các nước tiến tiến khác, đó là rác thải ở ta có độ ẩm cao, hàm lượng chất hữu cơ lớn, không được phân loại tại nguồn, hạ tầng vận chuyển không đồng bộ; trong khi rác ở các nước phát triển lại có độ ẩm thấp do khí hậu khô, được phân loại từ nguồn, quản lý vận chuyển đúng cách. Vì thế, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ đốt rác phát điện của các nước Âu – Mỹ hay Nhật vào Việt Nam sẽ không hiệu quả, xét cả về tài chính và kỹ thuật.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ tiến tiến trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt.
Để có thể áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam cần có cần có những giải pháp đồng bộ như sau:
Một là, nâng cao công tác tuyên truyền thực thi về phân loại rác tại nguồn theo Luật bảo vệ môi trường 2020 cho người dân.
Hai là, khuyến kích, hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp để nghiên cứu, sáng chế các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác phù hợp hơn với đặc điểm rác thải rắn ở Việt Nam
Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao. Thí điểm ở một số địa phương và nhân rộng mô hình.
Bốn là, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ tài chính cho Doanh nghiệp được tiếp các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm; ưu đãi về đất đai, thuế, phí.
Năm là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức về công nghệ xử lý chất thải rắn.
Sáu là, hiện nay Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với một số quốc gia trên thế giới như Hàn quốc, Nhật Bản ... và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các quy định có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là xây dựng quy định về phân loại chất thải tại nguồn, thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng và thể tích chất thải; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về quản lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quản lý chặt chẽ chất thải rắn sinh hoạt và các chất thải thứ cấp phát sinh từ quá trình xử lý. Do vậy trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp và mở rộng hợp tác quốc tế để thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn đặc biệt là các công nghệ tiên tiến về xử lý rác thải rắn.