Câu chuyện về kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp ngoại

16/09/2019 10:22 Tăng trưởng xanh
Câu chuyện về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh - những cấu thành tạo nên sự phát triển kinh tế xã hội bền vững lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là chìa khoá để phát triển bền vững Phát triển kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề về môi trường
cau chuyen ve kinh te tuan hoan cua cac doanh nghiep ngoai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, chiều 12/9. Ảnh: Quang Hiếu

Trên thế giới, những tập đoàn hàng đầu đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tuần hoàn, như IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào năm 2030, Lego hướng đến dùng nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Các hoạt động kinh tế tuần hoàn của Schneider Electric (Pháp) chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên trong giai đoạn 2018-2020.

Ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Những sáng kiến này bao gồm: Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa carton, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn.

Sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam là ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thực hiện thành công 3 mục tiêu: thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; nâng cao hình ảnh của thương hiệu.

Ông Đỗ Thái Vương - Đại diện Unilever nhận định, việc thay đổi mô hình hoạt động theo hướng tuần hoàn là điều cần thiết khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên quá "nóng" và có những tác động tiêu cực đến cuộc sống. Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển, do đó cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như thói quen sinh hoạt của người dân để giảm thiếu vấn đề này.

Tại thị trường Việt Nam, mỗi ngày Unilever có 35 triệu sản phẩm được tiêu thụ, nên việc quản lý, xử lý liên quan đến bao bì, rác thải nhựa là thứ được quan tâm. Unilever đang tập trung vào 3 chiến lược: Giảm thiểu rác thải nhựa, dùng nhựa tốt hơn và không sử dụng bao bì nhựa.

Đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam - ông Adam Ward nhận định: Khu vực tư nhân đóng vai trò năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm. Đây là nhân tố giúp kinh tế tuần hoàn Việt Nam có thể "cất cánh".

"Xây dựng mô hình hợp tác liên kết là cần thiết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhằm huy động sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo, cùng với đó là sự chủ động tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự và đối tác phát triển, mà ở đó vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới là rất quan trọng" - ông Adam Ward kiến nghị.

Nếu áp dụng triệt để "tư duy tuần hoàn" trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4.500 tỉ USD cho doanh nghiệp toàn cầu, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.
Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động