"Chiến binh khí hậu nhí" Greta Thunberg nổi tiếng thế giới là ai?
ASEAN cam kết cùng thế giới chống biến đổi khí hậu Hàng nghìn người Hàn Quốc "giả chết" kêu gọi bảo vệ môi trường Những vụ án mạng liên quan đến môi trường tăng gấp đôi sau 15 năm |
Cô bé người Thuỵ Điển Greta Thunberg (sinh năm 2003) hiện là một trong những nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng nhất và trẻ nhất thế giới hiện nay. Vì "nghiệp lớn", cô bé thậm chí đã bỏ dở việc học tập. Những nỗ lực đó không uổng phí khi các chiến dịch chống biến đổi khí hậu của cô thu hút được sự chú ý và tham gia của hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới.
Greta Thunberg hiện là một trong những nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng nhất và trẻ nhất thế giới hiện nay. Ảnh: The Atlantic. |
"Chiến binh nhí" được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố của Greta là nam diễn viên nổi tiếng Thuỵ Điển Svante Thunberg. Mẹ là ca sĩ opera xinh đẹp Malena Ernman. Ông nội cô cũng là diễn viên, nhà sản xuất Olof Thunberg.
Greta Thunberg còn có một em gái. Điều đặc biệt là chị em cô đều bị chẩn đoán mắc các hội chứng rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động giảm chú ý,… gây ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội và giao tiếp. Tuy nhiên, với tình yêu thương từ gia đình, khiếm khuyết của hai cô gái nhỏ được biến thành "siêu năng lực". Bên cạnh người chị nổi tiếng của mình, cô em gái Beata cũng bộc lộ khả năng ca hát, nhảy múa và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến môi trường.
Greta Thunberg và gia đình. Ảnh: Instagram. |
Để ủng hộ con gái, bố mẹ cô đã gác lại sự nghiệp. Cả gia đình Greta từng cho ra đời một cuốn sách kể về cuộc sống của họ trong một hành tinh khủng hoảng vì các vấn đề về môi trường, khí hậu. Trước đó, cô bé đã thuyết phục thành công cả gia đình cùng ăn chay và chuyển sang đi xe điện để bảo vệ môi trường. Nghệ sĩ Malena cũng ngưng sử dụng máy bay để đi du lịch.
Cô bé ngồi bên ngoài toà nhà Quốc hội Thuỵ Điển hàng ngày trong giờ học với khẩu hiệu “Skolstrejk for klimatet” (Bãi khóa vì khí hậu). Ảnh: DW. |
Tháng 8/2018, Greta Thunberg lần đầu gây sốt khi tuyên bố nghỉ học và biểu tình bên ngoài toà nhà Quốc hội Thuỵ Điển để kêu gọi nhà nước và mọi người hành động nhiều hơn để đối phó biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon theo Thoả thuận Paris, sau những đợt nắng nóng, cháy rừng tại nước này. Cô bé ngồi bên ngoài toà nhà hàng ngày trong giờ học với khẩu hiệu "Skolstrejk for klimatet" (Bãi khóa vì khí hậu), sau đó cho ra đời phong trào bãi khoá "Fridays for Future" - nghỉ học vào ngày thứ Sáu hàng tuần để đấu tranh cho môi trường.
Phong trào Fridays for Future được hưởng ứng ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: The Fox. |
Đến tháng 12/2018, hơn 20.000 sinh viên đã tổ chức bãi khóa tại ít nhất 270 thành phố của Úc, Áo, Canada, Bỉ, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Thuỵ Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Ngày 15/3/2019, "Fridays for Future" cùng Greta làm nên lịch sử khi có sự tham gia của khoảng 1,4 triệu người với hơn 2.000 cuộc biểu tình, trở thành phong trào lớn nhất trong lịch sử, phản đối sự thờ ơ của chính quyền trước những đe doạ của biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn cầu đã bùng nổ hơn 5.000 cuộc tuần hành lớn nhỏ.
Cùng thời điểm, tại Hội nghị Khí hậu của Liên hợp quốc (COP24) tổ chức ở Kattowice (Ba Lan), Greta đã mạnh mẽ chỉ trích các quan chức thế giới: "Nền văn minh của chúng ta đang bị hy sinh cho một nhóm rất ít người có cơ hội tiếp tục làm giàu. Bầu sinh quyển của chúng ta đang bị hy sinh để những người giàu có như ở nước tôi được sống xa hoa. Quý vị nói quý vị yêu con cái của mình hơn bất cứ điều gì, nhưng chính quý vị đang cướp đi tương lai của họ ngay trước mặt họ".
Greta trong chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương của mình. Trên thân tàu dán tên chiến dịch nổi tiếng của cô. Ảnh: The New York Times. |
Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình có Greta tham gia tại Bỉ, London,… cũng tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của báo chí. Tháng 8/2019, cô dùng thuyền công nghệ cao, không khí thải để vượt Đại Tây Dương, đi từ Anh đến New York (Mỹ) để tham dự hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc.
Tại đây, hôm 23/9, Greta Thunberg khiến dư luận một lần nữa rúng động với những lời nói đanh thép nhắm về phía các lãnh đạo quốc tế: "Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của chúng cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng. Cả hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các ngài nói đến là tiền và câu chuyện cổ tích về sự tăng trưởng kinh tế vĩnh viễn. Sao các ngài dám?!".
"Chiến binh nhí" cùng 15 trẻ em khác đệ đơn kiện 5 nền kinh tế lớn gồm Đức, Pháp, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ lên Liên hợp quốc vì không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong 44 quốc gia chấp nhận quyền tài phán của Công ước Quyền Trẻ em để tiếp nhận đơn kiện, 5 "bị cáo" là những nước gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất hiện nay.
Lá đơn trình bày chi tiết việc quyền trẻ em đã bị vi phạm như thế nào khi khí hậu biến đổi, môi trường ô nhiễm; đồng thời chỉ trích các quốc gia có những cam kết "không thoả đáng" trong công tác giảm thiểu khí nhà kính.
Các nhà hoạt động môi trường nhỏ tuổi, đứng đầu là Greta Thunberg không đòi hỏi bất cứ khoản tiền bồi thường nào mà chỉ đề nghị các nước “bị cáo” khẩn trương điều chỉnh các mục tiêu khí hậu của họ và hợp tác hiệu quả với các quốc gia khác để giải quyết khủng hoảng về môi trường.
Cô là nguồn cảm hứng với rất nhiều những người trẻ khác trên thế giới trong việc hành động vì môi trường và khí hậu. Carl Smith - một thành viên của bộ tộc Yupiaq ở Alaska cho biết, sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động săn bắn và đánh bắt cá của cộng đồng mình. Cậu bé đổ lỗi cho lòng tham của các nhà lãnh đạo: "Cháu nghĩ họ hành động chậm chạp vì họ không muốn mất tiền".
Gia đình Greta nhận nhiều chỉ trích. Ảnh: AP. |
Do tiếng vang quá lớn, Greta Thunberg và gia đình cũng nhận lại không ít chỉ trích. Những người bảo vệ quyền trẻ em quy trách nhiệm cho gia đình cô bé khi cho rằng, thay vì bỏ học để tranh đấu, cô bé nên có cuộc sống như bao bạn đồng trang lứa khác: đến trường, chơi thể thao, ăn pizza và gặp gỡ bạn bè để khắc phục chứng tự kỷ.
Ngoài ra, phong trào "Fridays for Future" do cô khởi xướng cũng bị coi là vi phạm luật giáo dục công ở một số địa phương. Thậm chí các học sinh tham gia bãi khoá sẽ bị ghi vào học bạ vì hành vi "bỏ học". Tuy nhiên, việc bỏ học lại chính là điểm mạnh lớn nhất của phong trào này, như Greta từng nói: "Vì sao tôi phải đi học vì một tương lai sớm có thể không còn nữa, khi không một ai làm gì để cứu vãn tương lai đó?".
Nhà phê bình Úc Andrew Bolt đã dùng cụm từ "thành viên của giáo phái tận thế với những triệu chứng thần kinh rối loạn của trẻ tự kỷ" khi nói về Greta. Trong khi đó, nhà triết học người Pháp Michel Onfray mô tả cô như một "người máy". Nhà bình luận bảo thủ người Mỹ Michael Knowles thì cho rằng cô bé "bị bệnh tâm thần" nên mới "cuồng loạn về khí hậu".
Một số chuyên gia lo ngại cách truyền tải thông tin của cô bé sẽ làm rối loạn thông điệp khoa học hoặc có thể làm lu mờ những vấn đề về môi trường khác bên cạnh biến đổi khí hậu, như ô nhiễm đất trong nông nghiệp, ô nhiễm do chăn nuôi, ngược đãi động vật,...; hay reo rắc lo âu hơn là đưa ra lập luận hợp lý. Nhiều ác ý còn cho rằng, Greta đang "phát huy truyền thống diễn xuất" của gia đình, phục vụ cho một thế lực chính trị cánh tả nào đó.
Đó là điều dễ hiểu khi Greta luôn xuất hiện với những ngôn từ có phần gay gắt: "Tôi không muốn các vị tràn trề hy vọng. Tôi muốn các vị phải lo lắng. Tôi muốn các vị hiểu được nỗi sợ hãi tôi trải qua mỗi ngày. Tôi muốn các vị hành động. Tôi muốn các vị hành động như khi các vị đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Tôi muốn các vị hành động như thể nhà của chính mọi người đang cháy, bởi vì sự thật là như vậy".
Cái nhìn sắc lạnh của Greta ném về phía Tổng thống Trump. Ảnh: CNN. |
Chiến binh khí hậu nhỏ tuổi mới đây còn sẵn sàng "đối đầu" với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người rút khỏi Thoả thuận Khí hậu Paris 2015 khi "ném" cho ông cái nhìn sắc lạnh, sẵn sàng "khẩu chiến" qua lại trên truyền thông và mạng xã hội vì có những quan điểm trái ngược trong việc bảo vệ môi trường, hoạt động xã hội...
Tuy nhiên, Greta Thunberg và công cuộc chống biến đổi khí hậu của mình vẫn nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người trên toàn cầu, trong đó có Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người cho rằng: "Cô bé đang thay đổi thế giới". Nhà môi trường học nổi tiếng kiêm nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã người Pháp Yann Arthus-Bertrand thì nghĩ cô bé là "một phép màu".
Bên cạnh đó, cách diễn đạt có phần thẳng thắn quá mức của cô bé được cho là do hội chứng tự kỷ Asperger. Đây vừa là khiếm khuyết, vừa là điểm mạnh, khiến Greta luôn nói và hành động theo logic của riêng mình, không chối bỏ sự thật hay tìm cách lảng tránh các vấn đề phức tạp trong thực tế.
Hiện hành trình đấu tranh của Greta Thunberg vẫn tiếp tục một cách mạnh mẽ. Trang mạng xã hội Twitter và Instagram của cô bé đã có hơn 6 triệu người theo dõi. Đầu tháng 9/2019, Greta đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế trao giải thưởng "Đại sứ Lương tri" cao nhất; đồng thời được đề cử giải Nobel Hoà bình năm nay.