Công nghệ AI với hoạt động báo chí
Còn nhiều khó khăn trong ứng dụng AI vào lĩnh vực báo chí |
AI là một công nghệ đột phá, với tiềm năng to lớn, công nghệ này đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành, lĩnh vực. Nổi bật nhất là lĩnh vực ngân hàng, với việc ứng dụng AI, các ngân hàng đang ngày càng đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, ở lĩnh vực y tế, giai đoạn Covid-19 vừa qua, các trợ lý AI (voice bot) đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi, hỗ trợ ngành y kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. Trong giáo dục, thương mại, AI được ứng dụng để đa dạng hóa cách truyền tải nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm...
Có thể thấy rằng công nghệ AI đã và đang trở thành xu hướng trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng có thể triển khai ứng dụng công nghệ AI dù cho ai cũng có thể biết được tiềm năng và các lợi ích mà công nghệ này mang đến. Có thể kể đến lĩnh vực báo chí.
AI thay đổi nhiều quan điểm về công nghệ báo chí
Các tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã và đang sử dụng hiệu quả công nghệ AI trong các quy trình tác nghiệp, sản xuất nội dung thông qua các công nghệ tiên tiến như (Machine Learning - ML) để thu thập, phân tích và phân phối tin tức, phiên âm video tự động, giúp nhà báo của họ có thời gian tập trung cho những công việc yêu cầu sâu sắc hơn hay như kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp các nhà báo có thể viết tin tức tự động.
Việc ứng dụng AI còn được thể hiện trên phương diện phân tích khối lượng lớn dữ liệu và tạo các báo cáo tin tức trong thời gian thực. AI giúp thực hiện phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để lọc những xu hướng, các mẫu số lớn, đồng thời giúp cung cấp các câu chuyện và dữ liệu để phục vụ cho mục tiêu điều tra, kể chuyện có tính xác thực hơn, truy xuất cơ sở dữ liệu bổ trợ đơn giản, hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt hữu ích cho nhóm báo cáo tài chính, thể thao, thời tiết…
Bên cạnh đó, các thuật toán của AI có thể sang lọc, điều hướng và kiểm soát tin tức dựa trên sở thích, mối quan tâm và hành vi lướt web của người dùng, tạo ra các đề xuất phù hợp và nội dung liên quan. Bằng việc thu thập thông tin, thị hiếu và các mối quan tâm của độc giả, các cơ quan báo chí có thể định hình chiến lược, xây dựng các kế hoạch phát triển nội dung và nâng cao hiệu suất quảng bá, tăng số lượng người đọc.
Ngoài ra, công nghệ AI có thể tạo ra deepfake (những hình ảnh, âm thanh giả) nhưng cũng có thể phát hiện nó. Thuật toán deep learning (học sâu) có thể tạo ra tin giả nhưng cũng có thể giúp phát hiện tin giả. AI cũng có thể giám sát tin tức tự động, giúp tòa soạn theo dõi tin tức, đo lường cảm xúc của độc giả và cập nhật những diễn biến mới nhất. AI còn cung cấp tính năng phiên âm, dịch tự động đối với các bản ghi âm và video, giúp các nhà báo mở rộng nguồn thông tin từ nhiều ngôn ngữ khác nhau và thao tác nhanh hơn.
Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ Ai trong lĩnh vực báo chí, nhiều tờ báo lớn trên thế giới như AP, Reuters cũng đã có những bước tiến tăng cường đẩy mạnh công nghệ AI trong quy trình tác nghiệp và sản xuất nội dung.
Nhiều ứng dụng AI như Chat GPT3 (giúp tạo khung sườn cho một bài báo, tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi của phóng viên), Google Cloud Natural Language API (cung cấp khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm phân tích, nhận dạng và phân loại nội dung), Full Fact (ứng dụng có thể kiểm tra tính xác thực của bài báo hay phát ngôn từ các nhân vật nổi tiếng), IBM Watson Discovery (giúp tìm kiếm và phân tích dữ liệu quy mô lớn, bao gồm các bài báo, báo cáo, tài liệu nghiên cứu để khám phá thông tin liên quan đến chủ đề mà nhà báo quan tâm) đã được tích hợp, sử dụng thử nghiệm cũng như tăng trải nghiệm cho khách hàng…
Trng tương lai không xa, công nghệ AI sẽ hoàn thiện hơn, có thể trở thành tương lai thay đổi của ngành báo chí. Tuy nhiên, đó là các mốc thời gian sau này do lĩnh vực báo chí còn có nhiều điểm khác biệt với các ngành nghề đặc thù khác.
Còn nhiều khó khăn trong thử nghiệm ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí tại Việt Nam
Dù cho công nghệ AI đang là công nghệ tiên tiến bậc nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và đem lại hiệu quả sáng tạo, lợi ích kinh tế cho các cơ quan báo chí nhưng việc ứng dụng thử nghiệm AI tại các cơ quan báo chí tại Việt Nam còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
Pháp lý, chính sách, nhân lực và nguồn vốn trong triển khai thử nghiệm còn chưa phù hợp
Số lượng nhà báo am hiểu về AI ít hơn số lượng chuyên gia trong các lĩnh vực khác am hiểu về AI là một nguyên nhân chính trong công tác triển khai Ai vào lĩnh vực báo chí tại Việt Nam. Nguồn lực chuyên gia về AI còn chưa đủ, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để triển khai các dự án lớn vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, để phát triển và ứng dụng được công nghệ AI vào đời sống cũng như các lĩnh vực một cách sâu rộng, cần nguồn vốn lớn. Đây cũng luôn là một khó khăn với các cơ quan báo chí trong nước khi mà kinh tế báo chí còn đang khó khăn, nguồn lực hỗ trợ cho báo chí còn thấp; cơ sở hạ tầng công nghệ đồng bộ đủ để triển khai trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu khoa học chưa xứng tầm…
Việc triển khai công nghệ AI tại Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức, như hạn chế về pháp lý và bảo mật thông tin. Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an toàn thông tin. Đây không chỉ là câu chuyện ngày một ngày hai, mà là câu chuyện tương lai khá xa tại Việt Nam.
Tôn chỉ, mục đích và giá trị của các cơ quan báo chí cũng như người làm báo vẫn mang tính quyết định
Công nghệ AI có thể thay thế người làm báo trong việc định tính, định lượng dữ liệu nội dung trong sản xuất tin, bài nhưng không bao giờ có thể cảm nhận được tình cảm, tình yêu thương hay những tâm tư gửi gắm trong các bài viết/ tác phẩm báo chí. Đây cũng chính là lý do quan trọng nhất khiến quá trình thử nghiệm ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí tại Việt Nam còn chậm, chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Bên cạnh đó, mỗi một cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích và một giá trị cốt lõi khác biệt trong việc định hình phát triển đơn vị trong các giai đoạn khác nhau. Dựa trên các giá trị cốt lõi đó thì nội dung tin, bài, các tác phẩm báo chí phải phản ánh chân thực, khách quan, phân biệt rõ bản chất đúng, sai và đặt ra ranh giới trong tác phẩm, điều này chỉ có những người làm báo mới có thể đáp ứng được chữ công nghệ AI đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Thực tế cho thấy công nghệ AI mới chỉ làm tốt những công việc đơn giản, được lặp đi lặp lại, phụ thuộc nhiều vào lượng thông tin được cung cấp sẵn từ dữ liệu ban đầu. Công nghệ này không thể thay thế con người trong các công việc ở một số lĩnh vực cần thiết liên quan đến hoạt động báo chí như giao tiếp phức tạp, tư duy chuyên gia, khả năng thích ứng và sáng tạo. Bên cạnh đó, với sự đa dạng trong ngôn ngữ của nước ta, nhiều từ có cả “nghĩa đen” và “nghĩa bóng” cũng là trở ngại không nhỏ trong việc ứng dụng công nghệ AI trong công tác sản xuất tin, bài mang tính gợi mở, đánh giá…
Dù cho có hiện đại, xu thế thời thượng đến đâu thì công nghệ AI cũng sẽ không thay thế được các nhà báo trong các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, nó có thể giúp các cơ quan báo chí tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng hiệu suất, hiệu quả làm việc. Các công cụ tự động hóa; trải nghiệm; sàng lọc, đánh giá thông tin sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tải thời gian tìm kiếm thông tin, tập trung tối đa cho hoạt động sáng tạo các đề tài chuyên sâu, các bài viết chất lượng và hiệu quả hơn.
Việc có hay không thử nghiệm ứng dụng AI trong các cơ quan báo chí vào thời điểm hiện tại còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau. Nhưng việc hướng đến phát triển cơ quan báo chí hiện đại, có thể vươn xa tầm quốc tế thì ngay từ lúc này các cơ quan báo chí cần chủ động thay đổi cả về mặt tư duy, chuẩn bị các tiềm lực về con người; về khoa học công nghệ, kỹ thuật; về tài chính để có thể trong tương lai không xa đón kịp chuyến tàu công nghệ AI trong lĩnh vực báo chí.