Công nghệ phù hợp, biến rác thải thành tài nguyên

26/04/2019 19:20 Quản lý nguồn thải
Rác thải chỉ có thể biến thành tài nguyên khi được phân loại từ nguồn và sử dụng công nghệ xử lý phù hợp. Tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của phân loại rác và xây dựng hạ tầng thu gom rác tiện lợi, phù hợp là những giải pháp được kỳ vọng có thể giải được bài toán khó này.

Công nghệ phù hợp, biến rác thải thành tài nguyên


Công nghệ điện rác khó áp dụng do rác chưa được phân loại tại nguồn

Khó áp dụng công nghệ tiên tiến
Hiện, 2 công nghệ được đánh giá ưu việt nhất và nhiều nước phát triển trên thế giới sử dụng là chôn lấp hợp vệ sinh (tận dụng khí thải mê-tan từ bãi chôn lấp để phát điện) và đốt sinh khối để phát điện (gọi là điện rác). Tuy nhiên, khi áp dụng tại Việt Nam, các nhà máy xử lý rác áp dụng 2 phương pháp đến nay hầu hết hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động nhưng không đạt tiêu chuẩn.
Ví dụ như nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện tại Cần Thơ, nhà máy nằm trên diện tích 5,3ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Từ khi bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào tháng 10/2018, mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Vấn đề mà nhà máy đang gặp phải là tìm cách xử lý tro xỉ, tro bay phát sinh trong quá trình hoạt động. Hiện mỗi ngày, lượng tro bay phát sinh khoảng 8 - 10 tấn.
Cùng cảnh ngộ là nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên của Hà Nội (nhà máy Nedo), được xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trên diện tích 16.809m2, với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng. Nhà máy này cũng chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại/ngày và tạo ra 1.930kW điện, rất khiêm tốn so với tổng lượng rác phát sinh và những tháng gần đây nhà máy này đã không thể phát điện.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nguyên nhân các công nghệ này vào Việt Nam không đạt hiệu quả như mong muốn là do rác chưa được phân loại từ nguồn, rác đầu vào không đạt yêu cầu. Để phát được điện, cần nhiệt trị rất lớn từ rác trong khi rác thu gom vẫn còn có độ ẩm cao, các thành phần sinh nhiệt thấp.
Theo TS Nguyễn Xuân Quang, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt điện lạnh, ưu điểm lớn nhất của công nghệ đốt rác phát điện là góp phần xử lý rác thải đô thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác, đốt rác phát điện không thực sự chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng cũng như hiệu quả kinh tế.
TS Nguyễn Xuân Quang cho rằng, với các công nghệ thân thiện môi trường như điện rác, cần có một sự hỗ trợ nhất định từ phía các cơ quan chức năng hoặc các nhà phát triển công nghệ có tầm nhìn xa.
“Khi xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện, bên cạnh các yếu tố về kinh tế cần phải được chú ý các tiêu chí sau: không gây ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh; xử lý các nguồn thải triệt để không gây hại lâu dài cho không khí và các tầng nước ngầm của khu vực; đồng bộ hóa từ khâu tập kết rác đến khâu xử lý để đảm bảo quá trình trọn vẹn không gây ô nhiễm trong các khâu phụ” – TS Nguyễn Xuân Quang cho biết.
Nan giải bài toán phân loại
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ mà cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ cho các nhà sáng chế đăng ký những sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, có thực tế là các công nghệ xử lý rác rất thành công của nước ngoài những khi nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam lại gặp trở ngại lớn nhất là rác chưa được phân loại.
“Rác thải sinh học nếu trộn lẫn bao bì, thủy tinh, túi nilong khi đốt sẽ tạo ra khí độc. Rác không được phân loại cũng khó có thể áp dụng công nghệ điện rác thành công. Ngay cả khi công nghệ áp dụng cũng khó lòng “gỡ rối” được bài toán này” – Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng cho rằng, để giải bài toán này, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân và có xây dựng được hạ tầng thu gom rác phù hợp, thuận tiện, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường phân tích thêm: “Để đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống cần phải thay đổi hình thức tuyên truyền, bổ sung các hình ảnh trực quan, phù hợp với từng đối tượng, để người dân thấy được lợi ích cụ thể mà việc phân loại rác tại nguồn đem lại”.


Ứng dụng công nghệ và hạ tầng thu gom rác phù hợp, thuận tiện được kỳ vọng sẽ giải thành công bài toán phân loại rác từ nguồn

Song song với đó là trang bị đầy đủ, đồng bộ thùng rác tại khu vực công cộng, khu dân cư... để dần đưa người dân vào quy củ, buộc phải thực hiện. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sau thời gian hướng dẫn, nhắc nhở, cần thiết áp dụng chế tài xử lý đối với chủ nguồn thải, lực lượng thu gom, vận chuyển vi phạm quy định về phân loại rác.
Ứng dụng công nghệ để phân loại rác
Hiện nay, một số tỉnh thành phố bắt đầu đưa công nghệ vào trong việc tuyên truyền, khuyến khích xử lý rác thải. Đặc biệt, phát hiện ra những điểm đổ rác, gây ô nhiễm môi trường nhằm xử lý ngay.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã chính thức cho ra mắt phần mềm ứng dụng hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, hộ dân tham gia dự án, khi tải phần mềm về trên thiết bị điện thoại di động thông minh sẽ được cung cấp thẻ tích điểm điện tử và thùng đựng rác tái chế. Ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng các thông tin về hướng dẫn phân loại các nhóm chất thải thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại, quy trình thu gom,cách nhận biết từng nhóm chất thải, ý nghĩa của việc phân loại rác, quy định xử phạt hành vi không phân loại…
Khi thùng rác đã đầy, các hộ gia đình sẽ mở thẻ, nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom. Dựa trên lượng rác thải tái chế do bên thu gom sẽ xác định, cư dân sẽ được tích điểm thưởng vào thẻ hộ gia đình. Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint - sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí.
Đối với hành vi xả rác bừa bãi, nhiều địa phương cũng sử dụng công nghệ để xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm. Ví dụ như tại TP Huế, bắt đầu từ tháng 5/2019 sẽ triển khai thí điểm về phạt nguội người có hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường (xả rác thải bừa bãi nơi công cộng) qua hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; tiến đến sẽ xử lý đối với hành vi vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng.

Dương phấn tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động