Dân chung cư cao cấp mang xô, chậu xếp hàng chờ mua nước
Dân nghèo, người thu nhập thấp có thể "mừng thầm"? Tiền nước tăng gấp 2-3 lần, nhiều hộ dân bức xúc Nhà chung cư: Có nên sở hữu thời hạn? |
Mang xô, chậu xếp hàng chờ mua nước
Những ngày gần đây, nhiều cư dân sống tại chung cư CT3 số 81 đường Lê Đức Thọ liên tục cầu cứu các cơ quan chức năng khi chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hà Nội (Công ty C'land) tự ý cắt nước sinh hoạt của người dân.
Bị chủ đầu tư tự ý cắt nước nhiều ngày qua, người dân chung cư CT3 tại 81 Lê Đức Thọ phải mang xô, chậu xếp hàng để chờ mua nước. |
Người dân tranh thủ giặt quần áo tại sảnh chung cư CT3 Lê Đức Thọ. |
Theo cư dân phản ánh, việc cắt nước đã diễn ra từ đầu tháng 9, ban đầu chủ đầu tư chỉ cắt nước của hai hộ gia đình số 1104 và 12B05 (nhà của Trưởng ban, Phó trưởng Ban Quản trị - PV), nhưng tính đến ngày 25/9 đã có tổng cộng khoảng 20 hộ gia đình bị cắt nước. Theo ghi nhận của PV, khi bị cắt nước, một số hộ đã phải mang xô, chậu xuống sảnh để xếp hàng mua nước.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Thơ - Phó trưởng Ban Quản trị chung cư CT3 Lê Đức Thọ cho biết, lý do bị cắt nước vì chủ đầu tư cho rằng người dân đang “nợ phí” quản lý vận hành gần 2 năm nay. Trong khi đó, ông Thơ cho rằng, điều này là vô lý vì hiện nay Công ty C'Land không có Hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà với Ban Quản trị, không phải là đơn vị quản lý vận hành tại tòa nhà CT3 theo quy định của pháp luật .
"Đầu năm 2017, sau khi thành lập Ban Quản trị, được sự nhất trí của cư dân, chúng tôi đã thuê đơn vị quản lý vận hành tòa theo quy định nhưng chủ đầu tư không bàn giao công tác quản lý vận hành mà tiếp tục đứng ra để thực hiện việc quản lý vận hành từ đó đến nay. Cư dân tòa nhà cho rằng hành vi này vi phạm nên không đóng phí" - ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, việc cư dân bị cắt nước đã trình báo và gửi đơn kêu cứu tới UBND và Công an Phường Mỹ Đình 2. UBND phường đã yêu cầu Công ty C’land trả lại nước cho cư dân. Nhưng Công ty C’Land xem thường ý kiến, quyết tâm phớt lờ, khiến cư dân và chính quyền bất lực. Sau nhiều lần làm việc không tìm được tiếng nói chung, cực chẳng đã cư dân phải treo băng rôn khắp tòa nhà CT3 để phản đối, yêu cầu chủ đầu tư sớm cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Cư dân treo băng rôn khắp tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ để phản đối, yêu cầu chủ đầu tư sớm cấp nước sinh hoạt cho người dân. |
Cũng theo cư dân phản ánh, dự án chung cư CT3 Lê Đức Thọ còn "dính" nhiều vi phạm trong việc nghiệm thu khống hệ thống PCCC; sai diện tích, thu tiền vượt quá giá trị căn hộ…
Được "bật đèn xanh", đua nhau cắt dịch vụ "dằn mặt" cư dân
Liên quan đến vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư, địa diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí này thì đơn vị quản lý vận hành được áp dụng chế tài tạm ngừng cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (do mình cung cấp) hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này. Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Trước những quy định mà Bộ Xây dựng đưa ra, thời gian qua không riêng tại chung cư CT3 Lê Đức Thọ mà tại nhiều chung cư trên địa bàn TP. HCM và Hà Nội, chủ đầu tư đua nhau cắt một số dịch vụ như: thang máy, điện, nước… sau khi cư dân không chịu đóng phí dịch vụ khiến tranh chấp giữ chủ đầu tư và cư dân tại nhiều chung cư trở thành điểm "nóng" về an ninh trật tự.
Mới đây, cả nghìn cư dân chung cư Goldsilk Complex (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đang lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở" khi các dịch vụ vệ sinh, thu gom rác, dịch vụ kỹ thuật, điện nước… ngừng cung cấp từ ngày 4/9 do chưa thống nhất mức phí dịch vụ.
Cư dân chung cư Scitect Tower 304 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, thời gian qua Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68) là chủ đầu tư tòa nhà đã tự ý cắt điện, nước của một số căn hộ khi những hộ này chưa đóng tiền vì cho rằng tiền điện nước sử dụng chung của tòa nhà không rõ ràng. Hay những hộ dân yêu cầu chủ đầu tư lắp đồng hồ nước phải có kiểm định của bên thứ ba cũng bị chủ đầu tư cắt nước.
Không đồng tình, nhiều hộ dân tòa nhà Scitect Tower 304 Hồ Tùng Mậu đã căng băng rôn phản đối, đề nghị chủ đầu tư không được tự ý cắt điện nước của cư dân, phải minh bạch công khai tiền điện nước chung của tòa nhà. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư kiểm định đồng hồ, ký hợp đồng nước sinh hoạt cho cư dân…
Được biết, chuyện ban quản lý, chủ đầu tư chọn giải pháp mạnh là cắt dịch vụ điện, nước, thang máy không phải là chuyện mới khi đã từng xảy ra ở khá nhiều chung cư. Điển hình tại các dự án như: Chung cư Happy Star do Cty TNHH Vintep làm chủ đầu tư nằm trong khu đô thị Việt Hưng (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội); Chung cư Smile Building (Hoàng Mai, Hà Nội); Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội); Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội), Hồ Gươm Plaza (Hà Đông, Hà Nội)….
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.