Đề xuất các quy định về quản lý chất thải trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

26/04/2019 19:25 Quản lý nguồn thải
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Quản lý chất thải và đề xuất các quy định về quản lý chất thải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Đề xuất các quy định về quản lý chất thải trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường


Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Naomichi Murook, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường, các Sở TN&MT, Ban quản lý các khu công nghiêp, khu chế xuất, các đơn vị nghiên cứu, trường đại học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng trở nên cấp thiết, trong khi đó các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp đòi hỏi các quy định pháp luật BVMT phải hoàn thiện.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật BVMT cho thấy các quy định pháp luật về BVMT cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm Luật BVMT phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.
Phó Tổng cục trưởng mong rằng, với sự hỗ trợ của JICA, Tổng cục Môi trường sẽ có cách tiếp cận mới, đề xuất các nền tảng cho việc sửa Luật BVMT, bảo đảm hướng đến các mục tiêu như thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước được ban hành sau thời điểm Luật BVMT 2014 có hiệu lực; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong đó bao gồm kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Theo Báo cáo tại Hội thảo, hàng năm trên toàn quốc phát sinh trung bình khoảng 850.000 tấn/năm chất thải nguy hại (CTNH), đến tháng 4/2019 trên cả nước có 118 cơ sở xử lý CTNH, hàng năm xử lý khoảng 750.000 tấn, đạt tỷ lệ thu gom, xử lý gần 90%.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTRSH đô thị khoảng 38.000 tấn/ ngày, CRSH nông thôn khoảng 32.000 tấn/ ngày. Trong đó, công tác thu gom CTRSH ở khu vực nội thành đô thị khoảng 85,5%, khu vực ngoài thành khoảng 60%, trong khi đó khu vực nông thôn khoảng 40 – 55%.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 8.1 triệu tấn/ năm chưa bao gồm tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón… Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn công nghiệp mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ, các chất thải rắn công nghiệp có giá trị được tái sử dụng hoặc tái chế, tuy nhiên, một số chất thải không có giá trị được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt gây khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý.


Ông Mai Thế Toản, Quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản đã trình bày các bài tham luận chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác quản lý chất thải như giới thiệu quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải ở Nhật Bản, lịch sử hình thành và công nghệ xử lý chất thải; giới thiệu về hệ thống tái chế chất thải, phương pháp xúc tiến tái chế chất thải và cách thu hồi năng lượng từ chất thải của Nhật Bản; các công cụ kinh tế nhằm xây dựng xã hội theo định hướng tái chế.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao các đề xuất sửa đổi Luật BVMT của Tổng cục Môi trường, nhiều đề xuất đã bám sát với thực tế trong công tác quản lý chất thải hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Tổng cục Môi trường bổ sung thêm quy định về quản lý khí thải, tái chế, tái sử dụng, thu hồi các chất thải thành mục riêng; bổ sung, làm rõ thêm các định nghĩa về chất thải...

Thu Nga tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động