Đêm ở rốn lũ
Thủ tướng đề nghị bảo đảm an toàn cho học sinh vùng mưa lũ miền Trung Lật thuyền lúc kiểm tra mưa lũ, Phó Chủ tịch và 5 cán bộ huyện trôi gần 1km Một công an viên bị nước lũ cuốn tử vong |
Phương Mỹ là xã "rốn lũ", ngập nặng nhất của huyện Hương Khê. Đêm mùng 5 và rạng sáng 6/9, nước lũ vẫn bao vây tứ bề nơi đây. Nhiều cột điện, cây xanh ngập đến tận ngọn. Trong những ngôi nhà nước lũ dâng đến mái, hàng trăm người bám trụ trên gác chờ nước rút. Trong đêm tối, gió rít từng hồi xen lẫn tiếng trâu bò rống, chó sủa làm vang cả một vùng.
Anh Nguyễn Văn Giáp (33 tuổi, ở thôn Tân Mỹ) nói, không thể nào chợp mắt được khi nghe tiếng nước chảy cuồn cuộn ngang tai. Gia đình anh có 5 người, tối hai hôm trước, khi lũ lên, anh chèo thuyền đưa vợ và ba con về nhà ngoại, còn mình tất bật dọn đồ đạc từ dưới nhà lên gác xép, ở lại canh giữ.
Gác xép nhà anh Giáp chất đầy bì lúa. Ảnh: Đức Hùng |
Anh Giáp cưới vợ năm 2010, tích góp dựng được căn nhà gỗ cấp bốn rộng gần 60 m2. Những ngày lũ, trên góc gác xép 4 m2 chật kín đồ đạc, hàng chục bì lúa xếp chồng chất kín cả lối chui ra, chui vào; xung quanh là nồi cơm điện, bếp ga, tivi; dưới cầu thang thì mỳ tôm, trứng, phích nước xếp sẵn.
So với nhiều năm qua, năm nay lũ lên không bình thường. Sáng ba hôm trước nước nhỏ, nhưng đến tối dâng rất nhanh. Người dân Hương Khê đã quen với lũ, nhưng lần này ai cũng bị động, trở tay không kịp. "Nằm một mình trong đêm tối, tôi chỉ cầu trời mưa ngớt, nước rút nhanh" - anh Giáp chia sẻ.
Cách nhà anh Giáp khoảng 300m, mẹ con chị Nguyễn Thị Lương (43 tuổi) ngồi co ro trên căn gác chỉ cách mặt nước khoảng một mét. Gạt nước mắt, chị bảo tối 3/9 lũ dâng nhanh nên không kịp sơ tán, nhiều tài sản trong nhà bị nước ngập hư hỏng, đàn gà hơn chục con chìm trong nước, phải chờ lũ rút mới đưa đi tiêu hủy được.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Lương không kịp di chuyển lên vùng cao do nước dâng quá nhanh, họ phải ở lại trong căn nhà cấp bốn nước đã ngập gần tới tận nóc. Ảnh: Đức Hùng |
Chiều hôm qua, chị Lương sang nhà hàng xóm, được cho một thùng mì tôm về ăn dần. Dù có thể chèo thuyền qua nhà họ hàng ăn cơm, song chị sợ mưa lũ nguy hiểm nên ở lại trên gác. Nhìn ra ngoài sông, chị bảo trong ngày 6/9 nếu nước dâng thêm nữa thì sẽ cùng con sang tầng hai của UBND xã Phương Mỹ tạm trú.
Nhà bà Nguyễn Thị Tường thuộc diện khá giả ở thôn Tân Mỹ. Căn nhà vượt lũ hai tầng được xây năm ngoái là nơi trú ngụ của nhiều người. Đầu giờ tối, bà chèo thuyền sang trụ sở UBND xã Phương Mỹ để đưa cơm cho các cán bộ trực lũ lụt, sau đó về cùng ăn cơm với chồng con. Bữa tối có cơm và cá đồng kho cà. "Bữa cơm như thế này là sướng lắm rồi, sợ mưa thêm vài hôm nữa thì hết thực phẩm. Tôi thương những hộ khó khăn, phải ăn mì tôm" - bà nói.
4h ngày 6/9, trời ngớt mưa, nước ngừng dâng. Vạch nước ở trụ sở xã Phương Mỹ từ mức 2 m giảm xuống còn 1,8 m. Nhìn mực nước, anh Nguyễn Văn Tuân (người dân sống gần trụ sở xã) thở phào, vì điều đó cho thấy lũ bắt đầu rút.
Anh Nguyễn Văn Tuân. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Lê Quốc Hậu - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết, toàn xã có 225 hộ bị ngập nhà, ba thôn nặng nhất là Trung Thượng, Ấp Tiến và Tượng Sơn. Sáng 6/9, khi nước lũ bắt đầu rút, chính quyền lên phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện để giúp bà con dọn dẹp nhà cửa, phun tiêu độc khử trùng.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 3 ngày qua các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to với lượng phổ biến 250-450 mm, một số trạm mưa lớn, như: Vinh (Nghệ An) 430 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 490 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 530 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 520 mm...
Tại Hà Tĩnh có nhiều huyện bị ngập lụt, chia cắt cục bộ như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Thạch Hà.