Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh
Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế ngày 29-30/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự án Luật Đầu tư sửa đổi lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.
Trong số này, ban soạn thảo bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhà ở thương mại được loại khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định tại Luật Đất đai.
Ảnh minh họa/KT |
Bốn nhóm ngành được bổ sung vào danh mục ưu đãi đầu tư, gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo nếu đưa ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục cấm thì cần làm rõ việc xử lý đối với những trường hợp đã được cấp phép hoạt động trước đó thế nào, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường.
Ý kiến khác lại cho rằng, cần sửa lại thuật ngữ "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại dự thảo luật cho phù hợp hơn, chẳng hạn "kinh doanh dịch vụ xử lý nợ". Các đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật Đầu tư cần theo hướng tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp thay vì tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước.
Trước đó, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP. HCM cũng kiến nghị Chính phủ đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Theo địa phương này, hoạt động đòi nợ đang diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng thường núp bóng doanh nghiệp cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ người tham gia các hoạt động tệ nạn, có nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến tín dụng đen.
TP. HCM cũng đặt ra trường hợp, nếu không thể cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.