Điện "đi trước một bước" trong xây dựng nông thôn mới

03/10/2019 15:25 Tăng trưởng xanh
Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về Điện nông thôn đã không ngừng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới lưới điện trung, hạ áp bảo đảm "điện luôn đi trước một bước", góp phần phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và tạo ra sự khởi sắc cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn.
Cả nước hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới trước 18 tháng

Đến nay, cả nước có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng gần 46% so với năm 2010 và tăng 8,3% so với thời điểm năm 2015. Đến cuối năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận tổng số gần 6.000 xã, quản lý bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỉ đồng. Qua đó, giúp các hộ dân nông thôn được sử dụng điện đảm bảo chất lượng, an toàn, ổn định; được mua điện theo giá quy định của Chính phủ và sử dụng các dịch vụ khách hàng do EVN cung cấp. Cùng với đó, EVN đã hoàn thành tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo, đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h phục vụ nhân dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN và các đơn vị thành viên đóng vai trò chủ lực, nòng cốt, đã không ngừng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn. Kết quả huy động nguồn lực giai đoạn 2016-2019 đạt 81.700 tỉ đồng, gấp 1,6 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 (50.100 tỉ đồng).

dien di truoc mot buoc trong xay dung nong thon moi
Hệ thống lưới điện nông thôn không ngừng được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Toàn Thắng

Tuy rằng hiện 98% số hộ trên cả nước đã được sử dụng lưới quốc gia nhưng số hộ còn lại phân bố ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo không thể kéo điện, hoặc có thể kéo nhưng rất tốn kinh phí. Đây là thách thức với ngành điện trong thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương giai đoạn 2010 - 2020, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: "Trong 10 năm triển khai tiêu chí số 4, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do đặc thù lưới điện nông thôn trải trên địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông, nhiều hộ dân sinh sống rải rác. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình lưới điện mới ngày càng khó khăn, đặc biệt là lưới truyền tải điện 220/110 kV".

Để đạt được mục tiêu Chương trình trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình "Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020" theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đề ra.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động