Gắp thành công mặt dây chuyền khỏi thực quản bé trai 2 tuổi
Mẹ nhỏ nhầm axit vào mũi khiến con trai bị bỏng nặng Công nhân Công ty Golden Victory Việt Nam lại nhập viện nghi ngộ độc |
Bé trai 2 tuổi tên là Đặng Vũ Minh (ở phường Tân Tạo, quận Bình Chánh, TP. HCM) được chuyển từ phòng khám địa phương lên Bệnh viện Nhi Đồng trong trình trạng khó thở.
Trước đó, khoảng 11h20 ngày 26/10, bé Minh có ngậm mặt dây chuyền chơi, sau đó cô giáo nghe tiếng khóc thét không ngừng, bé liên tục chỉ tay vào cổ. Cô giáo nhanh chóng đưa cháu đến phòng khám đa khoa gần trường chụp X-quang ngực thì phát hiện dị vật, bé được chuyển ngay đến Bệnh Viện Nhi Đồng.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bé bị dị vật hình tròn chiếm hết lòng đầu trên thực quản, gần ngay ngã ba thông với đường thở. Các bác sĩ nhận định nếu xử trí không khéo thì khả năng dị vật gây trầy, rách thực quản, hay hóc ngược vào đường thở rất cao.
Dị vật chiếm hết lòng đầu trên thực quản. |
Ekip nội soi trực tai mũi họng do BSCK2 Trần Thiện Nhơn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM quyết định tiến hành gây mê, dùng ống soi gắp dị vật ra khỏi thực quản cho bệnh nhi.
Kết quả kiểm tra cho thấy lòng thực quản của bé chỉ tổn thương nhẹ niêm mạc, có thể bình phục và xuất viện trong vài ngày tới.
Dị vật được bác sỹ gắp thành công ra khỏi thực quản cháu Minh |
Theo bác sĩ Thiện Nhơn, dấu hiệu nhận biết trẻ bị hóc dị vật là trẻ đột ngột ho, sặc sụa, thở hổn hển hoặc kêu không thành tiếng, không thở được, lịm dần, mắt trợn ngược, môi tái rồi tím dần… Cấp cứu đúng cách là bước quan trọng quyết định thành công trong việc cứu trẻ bị hóc dị vật.
Bệnh viện cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên đeo trang sức như dây chuyền, hoa tai, nhẫn cho các cháu dưới 6 tuổi. Các vật dụng sắc nhọn, có kích thước nhỏ cũng cần được để đúng nơi, tránh việc trẻ cho vào miệng rồi nuốt dẫn tới hậu quả khó lường.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cũng chỉ ra các thao tác sơ cứu khi trẻ hóc dị vật.
Sơ cứu đúng: Nếu trẻ hóc dị vật còn tỉnh táo, ho được thì khuyến khích bệnh nhi ho và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bệnh nhân ho không hiệu quả, cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực.
Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Dùng bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa.
Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Với trẻ trên 2 tuổi có thể dùng phương pháp Heimlich: Đối với trường hợp trẻ còn tỉnh, để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)