Mẹ nhỏ nhầm axit vào mũi khiến con trai bị bỏng nặng
Johnson & Johnson thu hồi 33.000 chai bột phấn trẻ em Phát minh của những đứa trẻ chưa đầy 18 tuổi làm thay đổi thế giới Thủ tướng tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo |
Mẹ cháu bé cho biết, thường xuyên sử dụng dung dịch Natri chloride 0,9% để vệ sinh mũi họng cho con. Hôm xảy ra sự việc là do hai mẹ con về bà ngoại chơi, người mẹ có lấy lọ thuốc nhỏ mũi còn nguyên nhãn mác nhỏ cho con.
Khi giọt nước vừa rơi vào mũi thì có làn khói trắng nhỏ bốc ra kèm tiếng khóc thét của bé. Lúc đấy dì cháu mới hốt hoảng bảo dung dịch bên trong không phải thuốc mà là axit chloaxetic 80% thường để tẩy nốt ruồi. Người dì mua về dùng và chiết sang lọ nước muối cho dễ sử dụng rồi để luôn vào tủ thuốc cá nhân.
Gia đình nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện địa phương rồi chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia điều trị trong tình trạng niêm mạc mũi họng phù nề, tổn thương hoại tử trắng, sung huyết, tiết dịch mạnh. Vùng má phải có hai vết bỏng do axit (theo hình nước chảy) xuống vùng dưới cằm cổ, hoại tử da độ II, III..
Sau quá trình nằm điều trị ổn định cháu được cho về nhà. Tuy nhiên thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng khó thở, phải thở bằng miệng, ăn uống khó nên gia đình đưa đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương thăm khám.
Nhỏ nhầm axit khiến cháu bé tổn thương nặng ở mũi và vùng má |
ThS.BS Nguyễn Nhật Linh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: "Khi nhập viện, tiền đình mũi trái của trẻ bị hẹp, hốc mũi phù nề nên khó quan sát, việc thở bằng mũi bên trái khó khăn. Trên má cháu bé có 2 vết sẹo to và khá dài do axit chảy xuống. Với trường hợp trẻ nhỏ thế này chưa thể đánh giá được chức năng ngửi nhưng cũng không quá đáng ngại vì ít bị ảnh hưởng".
Các bác sĩ đã hội chẩn cùng đoàn chuyên gia nước ngoài và chẩn đoán trẻ bị sẹo hẹp tiền đình mũi trái sau khi bỏng axit nên tiến hành phẫu thuật chỉnh hình. Sau phẫu thuật, trẻ tiếp tục được tiêm định kỳ thuốc chống sẹo lồi mỗi tháng một lần trong vòng 6 tháng. Đồng thời, các bác sĩ sẽ theo dõi, xem xét mức độ tiến triển của bệnh nhi để có kế hoạch điều trị tiếp theo đạt hiệu quả như mong muốn.
Thực tế đã có nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề do uống nhầm hóa chất đựng trong các chai nước ngọt, nước lọc... Với trường hợp của cháu bé này, nếu gia đình biết cách sơ cứu nhỏ nước muối làm loãng axit tại vị trí tổn thương thì tình trạng có thể đã nhẹ hơn.
Các bác sĩ cảnh báo người dân, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ cần kiểm tra kỹ nhãn mác, cách sử dụng các loại thuốc cho trẻ nhỏ. Với các sản phẩm san chiết, cần dán nhãn mác thông báo cẩn thận tránh nhầm lẫn...