Giải pháp để bảo vệ môi trường biển và đại dương

05/06/2023 11:28 Tăng trưởng xanh
Ngày 4/6, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày đại dương thế giới, Ngày môi trường thế giới năm 2023.

Ngày Môi trường thế giới năm 2023 một lần nữa “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” với trọng tâm thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) tiếp tục được lựa chọn là chủ đề chính. Thông điệp này cùng với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” của Ngày Đại dương thế giới đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; nhấn mạnh vai trò của đại dương, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương; nhân loại cần chung tay hành động bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh.

Giải pháp để bảo vệ môi trường biển và đại dương
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại chương trình.

Trong bài phát biểu của mình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Hai là, thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch; phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng; tăng cường liên kết vùng ven biển với vùng nội địa.

Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Bốn là, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Phát huy truyền thống lịch sử dân tộc hào hùng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hoá biển.

Các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cần tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa cho cộng đồng, phát hiện và biểu dương những tấm gương, mô hình, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo để tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực chung của toàn xã hội.

Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đã trực tiếp tham gia thu gom rác thải, làm sạch môi trường trên bãi biển thị xã Cửa Lò; trồng cây xanh trên tuyến đường ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An./.

Ngọc Nha
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động