Giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hóa chất bảo vệ thực vật
Phục hồi môi trường bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật |
Tình trạng người dân vứt bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay tại ruộng còn phổ biến. |
Hiện cả nước có 240 điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn 15 tỉnh, trong đó có 23 điểm thuộc khu vực đô thị chưa được xử lý. Các điểm tồn lưu chất độc hóa học, đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, khó xử lý hoặc cải tạo.
Từ các địa phương
Tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), trong quá trình dùng thuốc BVTV, bà con nông dân có tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 - 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo). Bà con còn không tuân thủ thời gian cách ly, nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như không được áp dụng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng hơn 200 loại thuốc BVTV đang lưu thông với số lượng sử dụng lên đến hàng chục tấn/năm.
Vẫn còn tình trạng chưa hiểu “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV nên bà con nông dân thường tăng lượng thuốc, giảm lượng nước với mong muốn sau khi phun sâu sẽ chết ngay. Thậm chí, có bà con còn sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc BVTV với mục đích giảm chi phí công phun thuốc. Việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc BVTV không những tốn kém, không hiệu quả, lại khiến môi trường chịu sự ô nhiễm nặng nề.
Vài năm trở lại đây, khi các loại thuốc BVTV được bày bán tràn lan với giá rẻ và cho hiệu quả thấy rõ đối với cây trồng, Người dân ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông (Quảng Trị), nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô, sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Dọc theo các khe, suối trên địa bàn các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa), bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV bị vứt bừa bãi, trong khi hầu hết nguồn nước sinh hoạt của bà con ở đây được lấy từ nước suối. Suối Pa Ráp, ở xã Pa Tầng (Hướng Hóa) là nơi đầu nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân các bản làng ở thung lũng phía dưới. Nước ở con suối này gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân quanh vùng bởi sự ô nhiễm của nó, nhưng họ vẫn phải sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo thống kê của ngành chức năng, Quảng Trị hiện có 187 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhưng chỉ có 80 cơ sở được cấp phép (đạt 43%). Với 57% cơ sở kinh doanh thuốc BVTV không phép này, người bán không có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực trồng trọt và BVTV nên việc tư vấn, giới thiệu thuốc BVTV cho người mua không thể chính xác dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
Theo một điều tra khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh, khoảng 76% nông hộ thường vứt bỏ vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay tại nơi phun thuốc; 92% nông dân thường rửa bình phun thuốc BVTV ngay trong kênh nội đồng hoặc trong các mương, ao trong ruộng. Nước thải từ việc rửa các dụng cụ phun thuốc được đổ ngay trong ruộng. Những người còn lại mang bình phun thuốc rửa và đổ nước thải trực tiếp trong kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Theo Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Lâm Đồng: Mức độ sử dụng thuốc BVTV tại địa phương. Hàng năm, ước tính thuốc thương phẩm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, các loại rau và hoa. Đặc biệt, phần lớn người dân ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2-3 loại thuốc để phun một lần. Cùng đó, còn nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng thuốc BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực như: Tồn dư thuốc BVTV trên cây trồng, gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, việc xử lý rác BVTV trên đồng ruộng gặp khó khăn. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh. Thuốc BVTV nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Sử dụng thuốc BVTV càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại.
Nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thuốc BVTV được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp do ưu thế về chi phí và hiệu quả nhanh đối với cây trồng. Theo kết quả nghiên cứu, cây trồng hấp thụ trung bình khoảng 40-50% lượng phân bón. Lượng phân bón còn lại được thải ra môi trường, dẫn đến dư lượng phân bón tồn đọng trong đất khá lớn, làm ô nhiễm môi trường đất. Bên cạnh lượng phân bón tồn dư ra ngoài môi trường còn có bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được người dân thải trực tiếp ra ngoài đồng ruộng.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, quy định, liên quan đến bảo vệ môi trường do thuốc BVTV gây ra như: Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước; Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT- BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu và nhiều văn bản khác có liên quan.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước, trong giai đoạn 2012-2015, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ TN&MT đã khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, đã xử lý 21 điểm hóa chất tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động các nguồn lực quốc tế để triển khai xử lý 09 điểm hóa chất BVTV tồn lưu và đã tổ chức hơn 25 khóa tập huấn, tăng cường năng lực cho hơn 1000 cán bộ của các Bộ, ngành và địa phương về quản lý ô nhiễm môi trường.
Bộ TN&MT cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung hỗ trợ xử lý 70 khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.