Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu hương sang Ấn Độ
Hỗ trợ doanh nghiệp trước việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang |
Ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) ban hành Thông báo số 15/2015-2020 về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). Theo đó, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”, có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.
Hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó khăn do chính sách đột ngột của Ấn Độ. |
Theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp hương nhang và chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương Ấn Độ (do Tổng cục Ngoại thương cấp). Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương Ấn Độ chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng như thời gian cấp phép. Theo phản ánh của các đối tác nhập khẩu hương nhang tại Ấn Độ, chưa có doanh nghiệp nào xin được giấy phép nhập khẩu.
Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo), không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính (không có thị trường thay thế) của ngành hương nhang xuất khẩu Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, ngày 6/9, Bộ Công Thương (cụ thể là Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và đại diện Cục Xuất nhập khẩu) đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu hương nhang có trụ trở tại Hà Nội và Hưng Yên (Công ty TNHH Ánh Hồng và Công ty TNHH Đức Thành, Công ty TNHH XNK Việt Khôi, Công ty TNHH XNK BHA Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất T&K Việt Nam, Công ty TNHH Khải Hoàn…) để nắm bắt tình hình, khó khăn của doanh nghiệp và tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã ngay lập tức triển khai một số biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó tình hình và tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ thể hiện quan ngại và phản đối biện pháp nói trên của Ấn Độ kết hợp đề nghị phía Ấn Độ (i) trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019; (ii) xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10 năm 2019) và (iii) về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu nói trên.
Ngày 10/9, Lãnh đạo Bộ đã ký công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đề nghị hỗ trợ làm việc với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tiếp xúc và làm việc với nhiều cấp tại các cơ quan chức năng liên quan của Ấn Độ.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang đang gặp khó khăn do Ấn Độ đột ngột yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng này, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sáng 11/9, Bộ Công Thương (gồm các đơn vị: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại) đã làm việc với ông Rajesh Uike, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ và một số cán bộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội.
Sáng 07/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã làm việc với ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt để tiếp tục công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng giải quyết khó khăn do việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu mặt hàng hương nhang.
Tại buổi làm việc ngày 7/10, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giải thích với Đại sứ Ấn Độ về tính chất đặc thù của sản phẩm hương nhang sản xuất cho thị trường Ấn Độ và những thiệt hại nghiêm trọng do biện pháp chính sách của Ấn Độ gây ra. Theo đó, ngành sản xuất và xuất khẩu hương nhang của Việt Nam không thể chuyển đổi sản xuất hương nhang cho thị trường khác, không thể tận dụng nguồn nguyên liệu, máy móc; đe dọa sự tồn tại của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu và cuộc sống của hơn 2,5 vạn lao động. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, căn cứ các hợp đồng đã ký trước 31/8/2019, có hơn 300 công hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đang dưới dạng hàng tồn kho, một số công hàng hương nhang của Việt Nam đang mắc tại cảng của Ấn Độ.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Đại sứ Ấn Độ trao đổi với các cơ quan liên quan của phía Ấn Độ và sớm có phản hồi đối với các đề xuất của Việt Nam:
Một là, tạo điều kiện cho các công hàng đã đến cảng tại Ấn Độ được thông quan do hiện tại không thể đưa các công hàng này về Việt Nam, trong khi chi phí lưu kho tại Ấn Độ rất tốn kém, khiến các doanh nghiệp càng thiệt hại nặng nề. (Bộ Công Thương đã gửi chi tiết danh sách 14 công hàng hương nhang của Việt Nam đang nằm tại các cảng của Ấn Độ để yêu cầu Ấn Độ cho phép thông quan).
Hai là, cho phép thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày 31/8/2019 (với số lượng hàng hóa khoảng 300 công hàng) do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã tiến hành sản xuất theo hợp đồng, hiện đang lưu kho tất cả số hương nhang này và không thể tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu đi bất kỳ nước nào khác do tính đặc thù của mặt hàng hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ như đã nói ở trên.
Ba là, cân nhắc việc gỡ bỏ chính sách này của Ấn Độ để không tiếp tục vi phạm các quy định của WTO, cũng như tuân thủ đúng tinh thần của Hiệp đinh Thương mại hàng hóa ASEAN Ấn Độ và khuôn khổ Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ đã có giữa hai nước.
Phản hồi đề xuất của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam rất chia sẻ về những tác động nghiêm trọng do biện pháp chính sách của phía Ấn Độ gây ra đối với doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hương nhang. Đại sứ cho biết từ những buổi làm việc trước với phía Bộ Công Thương, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã liên hệ với các cơ quan để chuyển các đề nghị của phía Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ sẽ báo cáo trực tiếp Chính phủ Ấn Độ về những nội dung của buổi việc với Bộ Công Thương và cho biết sẽ sớm có hướng giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ sớm phản hồi đối với 03 đề xuất của Bộ Công Thương. Trước mắt sẽ cố gắng cho thông quan đối với 14 công hàng đang nằm tại các cảng của Ấn Độ.