Hà Nội: Cần chấn chỉnh tình trạng đổ thải bừa bãi ven sông Hồng

01/07/2019 14:19 Quản lý nguồn thải
Những bãi ven sông Hồng rộng hàng chục héc-ta thuộc một số địa bàn thuộc Thủ đô Hà Nội thời gian qua liên tục bị nạn đổ trộm phế thải hoành hành gây bức xúc dư luận. Nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời những khu vực trên sẽ sớm trở thành “thiên đường đổ thải” đúng nghĩa…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những bãi ven sông Hồng rộng hàng chục héc-ta nói trên thuộc các địa bàn xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và khu vực phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Có mặt tại địa bàn trên trong những ngày gần đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều đống đổ thải vẫn còn tươi mới. Những vết bánh xe vẫn còn hằn trên đường mặc dù không có phương tiện nào hoạt động ban ngày.

Một bãi đổ thải mới xuất hiện nằm gần khu vực cầu Nhật Tân

Một bãi thải rắn mới xuất hiện gần khu vực cầu Nhật Tân (Hà Nội).

Theo đó, các đối tượng đổ thải trộm thường lợi dụng lực lượng chức năng địa phương “mỏng”, địa bàn hẻo lánh, vào ban đêm, xe quá khổ, quá tải đã lén lút chạy ra bãi ven sông Hồng thuộc thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội) để chút trộm phế thải.
Bà Nguyễn Thị Thương, 54 tuổi, trú tại thôn Lũng Mạch cho biết: Các anh không biết đấy, buổi ngày yên bình thế này thôi chứ buổi đêm là xuất hiện rất nhiều lượt xe “ma” thoắt ẩn thoát hiện đi vào thôn, rồi chúng chút ồ ạt chất thải xong bỏ chạy. Tôi thấy chính quyền địa phương cũng cắt cử người mai phục, song do các đối tượng đổ thải thường nhằm thời điểm đêm khuya, thậm chí hôm trời mưa gió, nên xã không thể ngăn chặn hết được.
Sau nhiều ngày tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, những xe đổ thải trộm chủ yếu xuất phát từ hướng nội thành Hà Nội, các xe thường tập kết tại khu vực dưới chân cầu Thăng Long, trên thùng luôn đầy ắp bùn, đất thải, phế thải xây dựng. Khi đến “giờ đẹp” để hành sự, từng đoàn 3-5 xe nối đuôi nhau ra mép sông thuộc thôn Mạch Lũng (xã Đại Mạch), thản nhiên đổ thải. Thông thường các xe này đều tháo hết biển kiểm soát để gây khó khăn cho việc nhận dạng của lực lượng chức năng.
Có thời gian, tình trạng đổ thải quá nghiêm trọng, UBND xã Đại Mạch huyện Đông Anh đã cho phá đường, cắt cử người để canh gác, ngăn chặn đổ thải thế nhưng các đối tượng đổ thải trộm vẫn tìm mọi cách để đổ trộm chất thải vào địa bàn từ nhiều hướng khác.
Theo đại diện UBND xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, do đặc thù bãi ven sông Hồng tại địa phương là nơi giáp ranh với các huyện thị khác của Hà Nội nên các đối tượng đã lợi dụng bất cập trên để vào đổ thải trộm tại địa bàn. Khi bị phát hiện, đối tượng đổ thải sẽ tháo chạy sang phía Hà Nội hoặc men theo đê chạy sang phía huyện Đan Phượng nên đã gây khó khăn cho việc xử lý của địa phương.
Mặt khác thẩm quyền của địa phương có hạn, chỉ tập trung ngăn chặn, phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra các xe tải đi vào địa bàn đổ trộm chất thải, địa phương cho biết sẽ kiên quyết xử lý. Gần đây, xã Đại Mạch đã tăng cường phối hợp với cấp trên bắt không ít vụ xả thải trộm trên địa bàn...
Không chỉ riêng Đại Mạch, tình trạng đổ thải trộm còn diễn ra nghiêm trọng tại bãi ven sông Hồng thuộc cụm số 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Tại đây, những vùng đất bãi ven sông rộng hàng chục héc-ta đang bị chất thải đủ loại từ nội thành tuồn ra “nuốt chửng” dần từng ngày.
Qua quá trình ghi nhận ở Nhật Tân, chúng tôi đã dễ dàng chứng kiến cả bãi ven sông Hồng bị đổ thải bừa bãi, công khai, nhộn nhịp như một công trường san lấp. Tại đây có 2 máy san gạt thay nhau hoạt động hết công suất, những bãi ven sông thơ mộng ngày nào dần thay thế bởi những đống chất thải rắn chất cao như núi, và đang tràn dần thẳng ra lòng sông Hồng.
Khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, đã có 02 thanh niên vẻ mặt bặm trợn đi ra “hỏi thăm” người lạ từ một chiếc lán dựng tạm. Thấy chúng tôi có thái độ cứng rắn khi tác nghiệp, mấy thanh niên liên tục gọi điện thoại “cấp báo” cho ai đó (?)

Chiếc máy san gạt lập tức dừng hoạt động khi thấy sự xuất hiện của phòng viên.

Tham gia thực tế cùng chúng tôi hôm đó, còn có đồng chí cán bộ phụ trách đô thị phường Nhật Tân. Trước cảnh đổ thải bừa bãi tràn lan, vị này cũng khẳng định: Đây là hành vi đổ thải và san lấp trái phép…
Sau khi chứng kiến cảnh xe ô tô, máy xúc ngang nhiên đổ thải, san lấp trái phép giữa ban ngày, đồng chí cán bộ phụ trách đô thị phường Nhật Tân đã điện thoại cho công an phường đến xử lý. Khoảng 30 phút sau, công an phường có mặt, những chiếc xe chở phế thải đã kịp quay đầu bỏ chạy, tại hiện trường chỉ còn máy xúc san lấp nhưng lái máy đã bỏ đi từ lâu.
Theo Công an phường Nhật Tân, chỉ có thể xử phạt các xe tải chở phế thải đổ trộm chứ không có chế tài xử phạt máy xúc san gạt, bởi đây đa phần là máy do người dân thuê về để san lấp…
Đại diện lãnh đạo UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội khẳng định rằng, từ nhiều năm qua địa phương đã cắt cử đơn vị, lập chốt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đổ thải tại bãi ven sông cụm 4. Khi phát hiện bất cứ trường hợp nào sẽ xử lý nghiêm.
Tuy nhiên qua thực tế chúng tôi thấy, tại cụm dân cư số 4 phường Nhật Tân, hoạt động đổ thải, san lấp trái phép vẫn diễn ra rầm rộ, công khai giữa ban ngày.
Đối với các trường hợp vi phạm về hành vi đổ chất thải rắn tại khu vực ngoài bãi sông Hồng địa bàn phường Nhật Tân đã vi phạm Khoản C, điều 20, Nghị định 179/2013, khi phát hiện dấu hiện vi phạm, lực lượng chức năng có quyền tiến hành xử lý nghiêm, thu giữ phương tiện.
Tuy nhiên, một số trường hợp do mức phạt quá nhẹ nên chưa đủ tính răn đe. Mặt khác, do sự phối hợp giữa lực lượng chức năng còn lỏng lẻo nên khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý khi chủ xe và lái xe cố tình chống đối, chốn tránh. Đồng thời, do lực lượng mỏng, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên thời gian gần đây tình trạng đổ thải lại tiếp tục tái phát.

Bài, ảnh: Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động