Hội nhập quốc tế và các tác động đến thị trường dịch vụ môi trường trong nước

13/07/2023 00:00 Cung ứng sản phẩm/hàng hóa CNMT
Dịch vụ môi trường không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, mà quan trọng hơn là đóng góp vào cung cấp hàng hóa và dịch vụ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Dịch vụ môi trường cũng như các ngành khác cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ quá trình hội nhập quốc tế.

Dịch vụ môi trường đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tự do hóa thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng dân số thế giới, xu huớng đô thị hóa và thay đổi trong mẫu hình tiêu thụ đã khiến môi trường phải chịu sức ép ngày càng tăng và phát triển dịch vụ môi trường đang là một nhu cầu hết sức bức xúc ở các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam để giải quyết các áp lực về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ môi trường thuộc Danh mục phân ngành dịch vụ đuợc xây dựng dựa trên hệ thống phân loại CPC của Liên Hợp Quốc và được chia thành 07 nhóm chính: Dịch vụ về nước thải; Dịch vụ về rác thải; Dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ tương tự khác; Dịch vụ giảm khí thải từ các phương tiện giao thông; Dịch vụ giảm tiếng ồn; Dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và cảnh quan và các dịch vụ khác.

Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra một khái niệm rộng hơn, đó là “ngành Công nghiệp môi trường”, bao gồm tất cả các loại hình hoạt động để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ bắt đầu từ các thiết bị nguồn, các công nghệ làm sạch và kiểm soát ô nhiễm, tới các dịch vụ kỹ thuật và tái chế… Theo định nghĩa này, OECD chia dịch vụ môi trường thành 7 phân ngành: Nước sinh hoạt và quản lý nuớc thải; Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; Bảo vệ khí quyển và khí hậu; Khôi phục và làm sạch đất, nước; Giảm độ rung và tiếng ồn; Bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan môi truờng; Các dịch vụ hỗ trợ và dịch vụ môi truờng khác.

Hiện nay tại Việt Nam, dịch vụ môi trường là một trong 2 nội dung quan trọng của ngành Công nghiệp môi trường (gồm cả hàng hóa môi trường) đã được Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 định nghĩa là “một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT”. Theo Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam thì có thể thấy một số nhóm sản phẩm liên quan đến DVMT đã được xếp trong nhóm ngành E gồm: E37: Dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; E38: Dịch vụ thu gom, xử lý, thải bỏ và tái chế rác thải; E39: Dịch vụ xử lý ô nhiễm và các dịch vụ quản lý chất thải.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng thì việc mở cửa thị trường ngành DMVT trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các đàm phán thương mại song phương và đa phương, cũng như các khuôn khổ hợp tác quốc tế. Đây được xem là một ngành kinh tế mới không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, mà quan trọng hơn là việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Trong khi các doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong xuất khẩu sang thị trường của các nước phát triển thì việc mở cửa thị trường dịch vụ môi trường sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước áp dụng các tiến bộ trong khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường với chi phí thấp hơn.

Hiện nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện nhiều FTA có hiệu lực cũng như đang thực hiện đàm phán một số FTA nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề dịch vụ môi trường luôn được các nước đặt ra trong các cam kết. Do đó sẽ tạo ra những cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường của Việt Nam khi tham gia sân chơi bình đẳng này.

Phát triển ngành dịch vụ môi trường Việt Nam hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn. Khi tham gia vào hội nhập quốc tế thì việc quản lý chất lượng trở thành vấn đề hàng đầu trong các yếu tố cạnh tranh của các công ty dịch vụ Việt Nam, gồm có chất lượng, thời gian và khả năng cung ứng các sản phẩm dịch vụ môi trường. Hiện tại, dù đã có nhiều bước chuyển tích cực nhưng ngành dịch vụ môi trường của Việt Nam mới chỉ được đánh giá ở mức trung bình.

Thị trường dịch vụ môi trường trong nước chịu nhiều ảnh hửng từ quá trình hội nhập quốc tế
Thị trường dịch vụ môi trường trong nước chịu nhiều ảnh hửng từ quá trình hội nhập quốc tế

Mặc dù có sự gia tăng về số lượng, nhưng năng lực ngành dịch vụ môi trường của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu xử lý nước thải đô thị cũng như nhu cầu xử lý chất thải và xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực tái chế như dầu thải, nhựa phế thải, chất thải điện, điện tử… vẫn chưa được đầu tư phát triển. Do vậy cần phát triển mạnh hơn các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học. Bên cạnh đó, sự sẵn có của các nhà cung cấp dịch vụ có đủ năng lực quyết định thị phần của ngành dịch vụ môi trường chỉ chiếm một phần rất nhỏ do chất lượng thấp hoặc không có nhà cung cấp đủ khả năng trong khi nhu cầu trên thị trường vẫn rất lớn.

Mặt khác, trên thực tế giá cả dịch vụ còn quá cao so với chất lượng dịch vụ nhận được và sự hiểu biết về nhu cầu dịch vụ của khách hàng cũng như làm thế nào đáp ứng các nhu cầu đó còn hạn chế cũng là khó khăn không hề nhỏ ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngành dịch vụ môi trường.

Song song với đó, các chính sách pháp luật của Việt Nam còn bộc lộ nhiều khoảng trống trong việc quản lý, giám sát cũng như thúc đẩy thị trường dịch vụ môi trường phát triển dẫn đến các việc cạnh tranh không đồng đều bởi sự tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nhiều trường hợp, hệ thống các văn bản pháp luật được soạn thảo ít có sự tham gia ý kiến của các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp do vậy không đáp ứng được yêu cầu của khu vực tư nhân. Các quy định và luật lệ hiện có đã lỗi thời và không phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Một điểm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triền dịch vụ môi trường tại Việt Nam đó là cơ cấu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp dịch vụ tại Việt Nam. Cơ cấu doanh nghiệp môi trường không đồng đều trong các lĩnh vực môi trường như: các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy chất thải, tái chế phế liệu; các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước; doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; các doanh nghiệp trong hoạt động xử lý ô nhiễm và các hoạt động quản lý chất thải khác. Hạn chế này xuất phát từ các khâu tuyển dụng và đào tạo tại chỗ, người lao động chưa được trang bị tốt về quản lý thời gian, quản lý chất lượng, đánh giá nhu cầu khách hàng hoặc kỹ năng giám sát.

Nhìn chung, hội nhập quốc tế đã mang lại cho Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ môi trường nói riêng nhiều lợi thế, tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ phát triển đồng đều, mạnh mẽ. Tuy nhiên những tác động không nhỏ của hội nhập quốc tế đến thị trường dịch vụ môi trường cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam quan tâm. Muốn thúc đẩy thị trường dịch vụ môi trường phát triển không chỉ là câu chuyện một sớm, một chiều mà phải đi theo thể thổng nhất từ Trung ương đến địa phương, từ cơ chế, chính sách đến nâng tầm doanh nghiệp, đi đôi với đó là sự đón nhận những khoa học công nghệ mới đến từ các nước phát triển trên thế giới. Vẫn còn nhiều điều phải cố gắng để Việt Nam hướng đến là quốc gia phát triển nhất trong khu vực trong lĩnh vực dịch vụ môi trường.

Đỗ Quý Thành
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động