Khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới

05/11/2019 13:08 Tăng trưởng xanh
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành công điện khẩn về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông.
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão Yêu cầu các tỉnh Trung Bộ đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi trước mưa lớn Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo hiện trạng toàn bộ nhà máy cấp nước sạch

ATNĐ có thể mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40-60km/h), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7h ngày 6/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 350km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/h), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm về phía Đông, mỗi giờ đi được 5km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 7h ngày 7/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60 - 90km/h), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão hầu như ít dịch chuyển và tiếp tục mạnh thêm.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của áp thấp thiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa rào và dông rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m; biển động.

khan truong ung pho ap thap nhiet doi

Dự báo hướng di chuyển của ATNĐ.

Khẩn trương ứng phó trước diễn biến của ATNĐ

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến phức tạp, sáng 5/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 17/CĐ-TW gửi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ ngành yêu cầu khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt đọng trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kể cả tàu vận tải, du lịch để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 5 và mưa lũ sau bão khẩn trương khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, sớm ổn định đời sống nhân dân; sẵn sàng các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố và bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới khi có tình huống xấu xảy ra.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và nhân dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trần Giang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động