Không cấp phép dự án bất động sản mới, Quảng Ninh làm méo mó môi trường đầu tư?
Khách sạn xây sai phép 5 tầng và câu chuyện nhìn vào 8B Lê Trực Khu đô thị 550 triệu USD có nguy cơ bị thu hồi vì chậm tiến độ |
Quảng Ninh đang ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. |
Cung đang vượt cầu nhiều lần
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai 85 dự án hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.979ha (5,4 triệu m2 đất ở; tương ứng khoảng 43.800 căn hộ, ô đất ở) và chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với quy mô 3.186ha với khoảng 13,8 triệu m2 đất ở tương ứng khoảng 99.000 căn hộ.
“Như vậy, nhu cầu nhà ở đang trong tình trạng cung vượt quá cầu nhiều lần, đây cũng là một trong những lý do một số dự án hạ tầng đang triển khai chậm tiến độ” - UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND các địa phương rà soát tổng thể các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, nhà ở trên địa bàn để thống kê, đánh giá, có số liệu thực tế về số lượng ô đất, căn hộ chưa sử dụng và chưa kinh doanh được, từ đó chủ động đề xuất dừng các dự án mới trên địa bàn.
Lý do được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên, giảm hiện tượng bong bóng bất động sản và nhằm dành quỹ đất cho phát triển sản xuất, phát triển dịch vụ cũng như chỉ phát triển đô thị khi có nhu cầu đất ở thật sự, phát huy tối đa hiệu quả từ đất đai.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, trên cơ sở thời gian thực hiện quy hoạch chung của từng địa phương, sẽ ban hành quyết định chi tiết về lộ trình thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch; công bố công khai để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Cùng với đó, yêu cầu các địa phương không đề xuất đầu tư mới các dự án mà thực tế chưa có nhu cầu sử dụng dẫn đến hình thành các đô thị không có người ở gây lãng phí nguồn lực từ đất đai cũng như nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến việc sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà của nhân dân do vướng quy hoạch.
Đối với địa điểm quy hoạch các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích đất nhỏ hơn 3ha, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Quảng Ninh cũng yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế khẩn trương lập và điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái; rà soát lại các quy hoạch chi tiết triển khai trên địa bàn có quy mô lớn, đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; đề xuất quy mô, ranh giới nghiên cứu giai đoạn cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu thực tế của địa phương.
“Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị có liên quan khẩn trương lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030 và Chương trình phát triển đô thị của các địa phương; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030...”, công văn nêu rõ.
Mặc dù vậy, không ít doanh nghiệp cho rằng, với công văn mang nặng tính chất can thiệp hành chính vào thị trường và chỉ đạo này của tỉnh Quảng Ninh không phù hợp với cơ chế thị trường hiện tại.
"Những chỉ đạo như thế này chỉ có lợi cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được cấp phép, trong đó có cả những doanh nghiệp yếu kém và ngăn chặn sự tham gia của các doanh nghiệp mới, hạn chế cạnh tranh và đi ngược lại xu hướng phát triển kinh tế thị trường. Đây không phải là lần đầu tiên Quảng Ninh ban hành một chính sách như vậy, chúng tôi rất lấy làm lo ngại khi môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang có xu hướng xấu đi vì những văn bản thế này", một doanh nghiệp (xin giấu tên) nêu ý kiến với Dân trí.
Muốn hút dự án tại Khu công nghiệp, khu kinh tế
Song song với động thái siết đầu tư nóng vào các khu đô thị, Quảng Ninh lại không giấu tham vọng thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 11 KCN, 1 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu; phân bổ trên 11/14 địa phương (cấp huyện) với tổng diện tích 368.000 ha (chiếm 30,2% diện tích của tỉnh).
“Các KCN, KKT đã phát triển đúng định hướng của tỉnh, có sức lan tỏa, thúc đẩy chuyển dịch ngành cơ cấu lại nền kinh tế, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", tỉnh Quảng Ninh đánh giá.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn KCN, KKT của tỉnh hiện có tổng số 237 dự án ngoài ngân sách còn hiệu lực, trong đó, 62 dự án FDI đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 2.801 triệu USD và 175 dự án trong nước có tổng vốn đầu tư đăng ký 45.465 tỉ đồng.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh cho hay, hiện tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ, phối hợp, hướng dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đầu tư một số dự án lớn trọng điểm để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Đơn cử như: Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn do Công ty CP Mặt trời Vân Đồn đề xuất (tổng vốn đầu tư dự kiến 46.595 tỉ đồng); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tổ hợp Công nghệ Thành Công Hạ Long (KCN Việt Hưng giai đoạn II) do Công ty CP Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng đề xuất (tổng vốn đăng ký dự kiến 1.311 tỉ đồng); dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vân Cảng thuộc phân khu B8 - Con đường di sản Vân Đồn tại KKT Vân Đồn do Công ty CP Vân Đồn Heritage Road đề xuất (vốn đầu tư đăng ký điều chỉnh dự kiến 4.984,7 tỉ đồng)...
Dự kiến năm 2019, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ cấp mới 15-18 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 10-12 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt khoảng trên 25.000 tỉ đồng, trong đó tổng vốn đăng ký đầu tư FDI đạt khoảng trên 300 - 350 triệu USD.
Quảng Ninh cho biết, để thực hiện mục tiêu này, song song với việc cụ thể hóa quy hoạch, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư phát triểncải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của Vân Đồn, Móng Cái và các KCN.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi chung của Trung ương đối với các dự án đầu tư trong KCN, KKT, tỉnh Quảng Ninh cũng xin thêm các cơ chế, chính sách đặc thù cũng như ban hành một số chính sách kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các KCN, KKT.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.