Kinh tế tuần hoàn - Từ Sản xuất đến Tiêu dùng và Xử lý chất thải

11/12/2019 12:25 Tăng trưởng xanh
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - CE) được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển bền vững.

CE - Xu hướng phát triển kinh tế bền vững của Thế giới

Mô hình CE được tiếp cận tổng thể theo vòng đời sản phẩm từ công đoạn khai thác tài nguyên thiên nhiên, thiết kế và sản xuất sản phẩm hàng hóa, phân phối và tiêu dùng, thải bỏ và xử lý sản phẩm sau quá trình sử dụng nhằm thu hồi nguyên liệu để tiếp tục đưa vào chu trình sản xuất hàng hóa tiếp theo.

kinh te tuan hoan tu san xuat den tieu dung va xu ly chat thai
Diễn đàn thế giới năm 2019 về CE được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan.

Hiện nay có một số mô hình về CE đã được triển khai với cách tiếp cận đơn giản như mô hình 3R hay mô hình 6R+ được tiếp cận tổng thể hơn. Mô hình 3R chỉ tập chung vào 3 hoạt động Reduce - Giảm sử dụng hàng hóa và tiêu thụ tài nguyên, Reuse - Tái sử dụng sản phẩm, tài nguyên và Recycle - Tái chế, tuần hoàn tài nguyên. Trong khi đó, mô hình 6R+ được tiếp cận tổng thể và chi tiết hơn thông qua các hoạt động gồm:

1. R - Rethink and Redesign: Đòi hỏi tất các nhà sản xuất phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận khi quyết định và sản xuất bất kỳ một sản phẩm hàng hóa mới nào về trách nhiệm thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm sản phẩm này sau quá trình sử dụng, từ đó sẽ quyết định việc thiết kế và lựa chọn các loại nguyên liệu sản xuất, bao bì đóng gói... một cách tối ưu nhất. Đồng thời đối với các sản phẩm hàng hóa đang sản xuất cũng đòi hỏi việc cải tiến, thay đổi thiết kế để đáp ứng được các “trách nhiệm” nêu trên và đem lại hiệu quả cao hơn.

2. R - Refuse: Là hành động của người tiêu dùng, cộng đồng, xã hội thể hiện thái độ ủng hộ đối với các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, có thể sử dụng nhiều lần, có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất của CE, đồng thời từ chối sử dụng các sản không thân thiện với môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng trong quá trình sử dụng, sử dụng một lần, không có khả năng tái chế và tuần hoàn tài nguyên...

3. R - Reduce: Là thói quen tiêu dùng của người dân, cộng đồng, xã hội cần được thay đổi nhằm giảm việc tiêu dùng quá mức dẫn đến việc tiêu tốn, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Thúc đẩy mục tiêu này, mô hình về kinh tế chia sẻ đã và đang được nhiều cộng đồng, quốc gia áp dụng đem lại hiệu quả cao (mô hình dùng chung các thiết bị, đồ dùng gia dụng, chia sẻ phương tiện giao thông, chia sẻ hạ tầng logistic trong vận chuyển, lưu trữ hàng hóa,...).

4. R - Reuse: Là hoạt động, thói quen của người tiêu dùng cần được thay đổi nhằm tiếp tục sử dụng các sản phẩm, hàng hóa nhiều lần và có thể tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau thay vì chỉ sử dụng một lần rồi đem thải bỏ. Tuy nhiên, để hoạt động tái sử dụng đạt hiệu quả đòi hỏi bản thân sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, tính năng để có thể tái sử dụng. Ngoài ra, để tăng cường hoạt động tái sử dụng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải đảm bảo hình thành và cung cấp các dịch vụ về bảo hành, bảo dưỡng, thay thế linh kiện, sửa chữa... để kéo dài tuổi thọ, vòng đời của tất cả các sản phẩm hàng hóa do mình sản xuất ra, đây cũng chính là 2 khái niệm R - Remain và R - Repair được bổ sung, xem xét thêm trong mô hình 6R+.

5. R - Recycle: Là hoạt động phục hồi tài nguyên bao gồm việc thu gom, phân loại, xử lý sản phẩm thải bỏ sau sử dụng và chất thải nhằm thu hồi lại các dạng tài nguyên và chế biến thành nguyên liệu tái chế. Các dạng nguyên liệu tái chế này sẽ được tiếp tục quay trở lại cho chu trình sản xuất tiếp theo với một tỉ lệ phù hợp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hoặc sản xuất ra các sản phẩm mới theo nhu cầu của xã hội.

CE - Nền sản xuất hàng hóa bền vững, tiết kiệm tài nguyên

Với cách tiếp cận về mô hình CE theo vòng đời sản phẩm và mô hình 6R+ nêu trên, Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương cho biết “Hiện nay, theo xu hướng chung của Thế giới, trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, các Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm của doanh nghiệp mình sau quá trình sử dụng. Như vậy ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, vật liệu bao bì đóng gói… Doanh nghiệp, nhà sản xuất đã phải tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất để giải quyết tất cả các vấn đề về chi phí sản xuất, chi phí thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý cho toàn bộ vòng đời sản phẩm.

Về vấn đề chính sách quy định “trách nhiệm” của doanh nghiệp sản xuất phải tiếp cận để xây dựng mô hình kinh doanh của mình theo mô hình CE, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách như Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, hướng dẫn các bên liên quan tham gia vào quá trình thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý sản phẩm thải bỏ đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và các cơ sở thu gom và xử lý.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo mô hình CE, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) tại Quyết định số 76/QĐ-TTg với các nội dung triển khai nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên,... đồng thời tăng cường nhận thức cho cộng đồng, người dân thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm hơn vì sự phát triển bền vững của chính cộng đồng. Hiện nay Bộ Công Thương đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về SCP với nhiều nội dung được tiếp cận, lồng ghép các giải pháp, quan điểm của nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện cho giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 đến năm 2030.

CE - Thu hồi sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế tuần hoàn tài nguyên

Nhìn nhận về vai trò của các bên trong nền kinh tế tuần hoàn, “Đối với các doanh nghiệp thương mại, kinh doanh, phân phối sản phẩm có trách nhiệm thiết lập hệ thống, hạ tầng ưu tiên phân phối các sản phẩm có nguồn gốc từ CE và có hệ thống thu đổi, thu hồi các sản phẩm đã qua sử dụng liên thông với nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp thu gom và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, khi tham gia vào CE thì người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng sản phẩm, tham gia vào các hoạt động thu gom, tái sử dụng, phân loại để tái chế chất thải,... đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả của việc áp dụng mô hình. Với vai trò của mình, Nhà nước sẽ đưa ra các chính sách định hướng, quy định về trách nhiệm của các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vận hành từ mô hình tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hiệu quả”, Bà Lâm Giang chia sẻ.

“Về vấn đề tái sử dụng, tái chế tuần hoàn toàn tài nguyên hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều mô hình đang được thực hiện, như việc kết hợp sản xuất hơi và phát điện trong các nhà máy đường, tận dụng nhiệt thừa cho các công đoạn xấy nguyên liệu của các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy điện cho các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, tuần hoàn nước làm mát trong các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp...” Bà Lâm Giang cho biết thêm.

CE - Xử lý chất thải, sản xuất sản phẩm tái chế tiết kiệm tài nguyên

Trong nền kinh tế tuần hoàn, hoạt động về xử lý chất thải đã được giảm áp lực đi rất nhiều so với nền kinh tế tuyến tính do các hoạt động Rethink, Redesign, Reduce, Remain, Repair và Reuse đã được thực hiện đạt hiệu quả. Tuy nhiên, với yêu cầu vẫn phải xử lý các chất thải không thể tái chế và nhu cầu về các công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho hoạt động thu hồi, thu gom, phân loại, phân tách, phục hồi tài nguyên và sản xuất ra các sản phẩm tái chế vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Để giải quyết thách thức này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 192/QĐ-TTg từ năm 2017 nhằm hình thành nên ngành Công nghiệp môi trường có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.

Triển khai Đề án, hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng Nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động liên quan được thực thi một cách có hiệu quả và bền vững.

CE - Có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Mặc dù người dân và nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nhận thức đầy đủ về CE, nhưng trong thực tế sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân đã hình thành một CE theo hướng tự phát.

Bà Marie – Lan Nguyen Leroy, Chuyên gia về môi trường (Pháp) nhận định “Người Việt Nam đã hình thành thói quen phân loại rác ngay tại gia đình, tôi thấy có rất nhiều người làm nghề “thu mua đồng nát”, những người này đến từng gia đình, ngõ xóm để mua các phế liệu, sản phẩm thải bỏ rồi đem phân loại bán cho các cơ sở tái chế. Hoặc các Công ty Bia cũng có chính sách thu hồi các vỏ chai bia của mình thông qua các đại lý để rồi tái sử dụng, tái chế cho các vòng đời sản xuất sản phẩm tiếp theo... có thể nói đây chính là một trong những hình thức của CE”.

kinh te tuan hoan tu san xuat den tieu dung va xu ly chat thai
Nhà hàng “Zero Waste” bán đồ ăn có bố trí ngay một thiết bị xử lý thức ăn thừa ngay trong nhà hàng tại Berlin, CHLB Đức.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, “CE là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng, thải bỏ và quá trình phục hồi tài nguyên. Do đó việc ứng dụng thành công CE có thể thúc đẩy phát triển, sản xuất và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tiết kiệm, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên”.

Tham dự Diễn đàn Thế giới về CE năm 2019 tại Phần Lan và tham gia Chương trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, thăm quan các mô hình sản xuất, thực tế kinh doanh các sản phẩm từ CE tại CHLB Đức, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có cơ hội tiếp nhận nhiều thông tin, kinh nghiệm, ý tưởng tốt có thể tham khảo cho Việt Nam để xây dựng chính sách áp dụng CE cho riêng mình. Ví dụ như ngành dệt may, những phần vải vụn được doanh nghiệp đưa vào tái chế tạo thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này (thường chiếm tỷ lệ 20-30% nguyên liệu tạo ra sản phẩm) thì được gắn Nhãn sản phẩm CE và được thị trường đón nhận và ủng hộ tích cực. Hay như bã, vỏ hạt café được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống café đạt tiêu chuẩn và cũng được dán Nhãn sản phẩm CE, trong khi đó ở Việt Nam chúng ta cũng có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các sản phẩm phụ, phế liệu, nguyên liệu tái chế... nhưng lại chưa được “Chứng nhận” và sự đón nhận của thị trường còn rất hạn chế. Điều đáng ngạc nhiên đó là một sản phẩm giầy thể thao/đi bộ được sản xuất từ vật liệu tái chế của nhãn hàng Adidas theo tiêu chuẩn GE, được bày bán trong hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm CE tại Đức, lại được ghi xuất xứ “Made in Vietnam”! Điều này cho thấy nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang là một phần của CE toàn cầu, tuy nhiên trong phạm vi quốc gia thì các nội dung về CE còn chưa được quan tâm cũng như công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin về CE của chúng ta còn hạn chế”. Bà Lâm Giang cho biết.

kinh te tuan hoan tu san xuat den tieu dung va xu ly chat thai
Cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm từ CE với sản phẩm cốc uống café được sản xuất từ bã và vỏ hạt café tại Berlin, CHLB Đức.

kinh te tuan hoan tu san xuat den tieu dung va xu ly chat thai
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm thời trang, may mặc của CE được sản xuất từ các nguyên liệu tái chế tại Berlin, CHLB Đức.

Tại Việt Nam hiện nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tham gia vào CE. Điển hình như Nhà máy Heineken Việt Nam, năm 2016 doanh nghiệp này nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 – 2016, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu của họ để dùng làm nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất của nhà máy.

Hay như trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước của Công ty Lộc Phát lại là một ví dụ điển hình khác của Doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (Gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng. Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi rất lớn cho Lộc Phát.

Từ câu chuyện của Heineken và Lộc Phát, có thể hiểu rằng, nếu như trước đây, người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì nay việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là CE, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ đi khái niệm “chất thải”. Theo đó, CE có thể hiểu một cách đơn giản là “nền kinh tế phi phát thải”.

Những câu chuyện tiếp cận thành công theo CE nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp ngành Công Thường cùng bước vào hành trình xây dựng, chuyển đổi và áp dụng các giải pháp “tuần hoàn” vào chiến lược phát triển của mình, hướng đến hình thành các mô hình SCP trong nền kinh tế tuần hoàn của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo SCP.gov.vn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động