Lãnh đạo TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10

11/11/2022 13:40 Tác động môi trường
Theo lý giải của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và các cơ quan chuyên môn của Thành phố, nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10 là: Triều cường xảy ra cùng lúc với mưa lớn liên tục; hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ; một số dự án chưa triển khai.

Vấn đề thoát nước đô thị được nhiều cử tri Đà Nẵng đưa ra bàn luận tại chương trình HĐND với cử tri lần thứ 3, vừa được HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 10/11. Nhiều cử tri yêu cầu lãnh đạo TP. Đà Nẵng làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt sau trận ngập lịch sử hôm 14/10.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10
Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 3 của HĐND TP. Đà Nẵng

Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng lý giải, do hệ thống thoát nước của TP. Đà Nẵng được tính toán theo tần suất ngập lụt 1%, tương ứng với tần suất xuất hiện mưa lớn cực đại 100 năm xuất hiện một lần.

Tuy nhiên trận mưa ngày 14/10 đã vượt khỏi tính toán lâu nay, một số chuyên gia cho rằng phải 500 năm mới lặp lại một lần. Ngoài ra, khí hậu ngày càng cực đoan, như triều cường lâu nay Thành phố ít nghĩ đến nhưng vừa rồi mực nước triều lên hơn 3m, khiến tình trạng ngập lụt trở nên nặng nề” - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo ông Tiến, việc thiết kế, bố trí các trạm bơm thoát nước còn nhiều tồn tại. Các tủ điện nằm trong khu vực ngập sâu dẫn đến mất điện nên cần rà soát để bố trí lại.

Nhiều trạm điện thiết kế nằm trong khu vực ngập, dù có điện cũng không sử dụng được. Đây là bất cập tôi cho rằng mang yếu tố chủ quan cần rà soát lại”, ông Tiến nói.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10
Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng

Cùng quan điểm, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: “Người dân đậy nắp hố ga ngăn mùi hôi là một trong những nguyên nhân gây ngập cục bộ đô thị. Thời gian tới ngành xây dựng sẽ thay thế thiết kế nắp hố ga để giảm thiểu tình trạng này. Ngoài ra đề nghị các địa phương xử lý nghiêm hành vi đổ chất thải xây dựng vào cống thoát nước”.

Nêu giải pháp chống ngập úng, ông Phong chia sẻ, trước mắt Thành phố sẽ tập trung ông tác nạo vét cống thoát nước; khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay liên quan về hệ thống cống, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ, để có phương án cải tạo phù hợp; xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước…

Về giải pháp căn cơ, ông Phong cho hay, Sở sẽ lưu ý trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian đến theo hướng: Ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa nhằm tăng khẩu độ cống thoát nước…

Cũng theo ông Phong, TP. Đà Nẵng có hệ thống thoát nước đô thị của dài khoảng 1.800km, trong đó có khoảng 40km được xây dựng từ trước năm 1994. Từ năm 1995 đến nay, Thành phố đã bắt đầu được quan tâm đầu tư và nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Còn với ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, tình trạng người dân buôn bán trên các tuyến đường thường xuyên lấp miệng hố thu để ngăn mùi đã xảy ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ngập lụt trong đô thị, nên ngành chức năng cần nghiên cứu thay đổi kết cấu nắp hố thu để ngăn mùi hôi xộc vào nhà dân.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng và ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Sau khi nghe thảo luận, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các sở, ngành tập trung thực hiện các chỉ đạo UBND TP giải quyết những vấn đề mà cử tri bức xúc.

Nói về tình trạng ngập úng xảy ra vào ngày 14/10 vừa qua, ông Chinh điểm lại, có 3 nguyên nhân lớn.

Cụ thể, một là vấn đề triều cường xảy ra cùng lúc với mưa lớn. Ông Chinh cho rằng, đây là vấn đề biến đổi khí hậu mà các tỉnh phía nam đang đối mặt. Tại Đà Nẵng, mưa lớn xảy ra cùng lúc triều cường nên gây tình trạng úng ngập.

Nguyên nhân thứ 2 là do trận mưa với lượng mưa xảy ra rất lớn. 500 năm mới có 1 lần.

Thứ 3 là hạ tầng kỹ thuật của Thành phố một số nơi không đồng bộ. Một số dự án chưa triển khai nên chưa khớp nối hạ tầng, chưa khơi thông…

Ngập úng là vấn đề đô thị đối mặt trong tương lai, nhất là những khu đô thị cũ. Chúng tôi đã có những giải pháp khắc phục, để hạn chế tối đa việc ngập úng trên địa bàn", ông Chinh nói.

Cũng theo Chủ tịch TP. Đà Nẵng, tình trạng ngập úng là vấn đề đô thị đối mặt trong tương lai, nhất là những khu đô thị cũ. Thời gian qua, Thành phố cũng đã có những giải pháp khắc phục, để hạn chế tối đa việc ngập úng trên địa bàn.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng - đề nghị Thành phố xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cùng với điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động ý thức người dân trực tiếp tham gia việc khơi thông cống thoát nước ngay trước nhà mình. Hàng năm Đà Nẵng có thể tổ chức tuần lễ khơi thông cống thoát nước và vệ sinh đô thị”- ông Triết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Triết đề nghị Thành phố ưu tiên bố trí kinh phí mua sắm phương tiện cứu hộ cứu nạn trong mưa lũ. Đồng thời có giải pháp căn cơ chống sạt lở tại các đồi núi sau bài học tại nghĩa trang Hòa Sơn.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân chính dẫn ngập lụt lịch sử đêm 14/10
Trận lụt lịch sử ngày 14/10 tại TP. Đà Nẵng đã khiến 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại về kinh tế gần 1.500 tỷ đồng

Trước đó, theo số liệu quan trắc, lượng mưa từ 19 giờ ngày 13/10 tới 7 giờ sáng ngày 15/10 tại TP. Đà Nẵng phổ biến 550-600mm. Mưa tập trung chính trong thời gian từ 01 giờ ngày 14/10 đến 01 giờ ngày 15/10, một số nới có mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697.6mm, Suối Đá 775.2mm… khiến nước ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của TP. Đà Nẵng, đặc biệt là các quận, huyện như: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…

Theo thống kê của UBND TP. Đà Nẵng, cơn bão số 5 vừa qua gây ra lượng mưa rất lớn cộng với triều cường đã khiến nước dâng cao rất nhanh, làm ngập diện rộng trên địa bàn Thành phố khiến 4 người thiệt mạng, gây thiệt hại về kinh tế gần 1.500 tỷ đồng/.

Mạnh Đức - Linh Nguyên

Bão số 5 đã gây thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng tại TP. Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ ra Công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả bão Noru Bão Noru khiến 3 người chết và mất tích, hơn 60 người bị thương, hàng ngàn héc-ta hoa màu bị ảnh hưởng Miền Trung căng mình chống bão Noru Các tỉnh thành miền Trung gấp rút ứng phó với bão Noru Bão Noru có thể giật cấp 17 khi tiến vào miền Trung, các địa phương nâng cao đề phòng những ảnh hưởng tiêu cực. Biển Đông sắp đón bão lớn, miền Trung sẽ mưa lớn trên diện rộng

Trường Giang
Tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động