Mô hình tăng trưởng xanh carbon thấp của Hàn Quốc
Đánh giá Chiến lược tăng trưởng xanh |
Mô hình tăng trưởng xanh carbon thấp của Hàn Quốc có đặc thù rất riêng, bởi sự quản lý tập trung cao độ và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống dưới, nâng tầm tăng trưởng xanh thành ưu tiên quốc gia. Vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia của chính quyền, coi tăng trưởng xanh như một tầm nhìn dài hạn, một mô hình phát triển và mục tiêu chính sách quan trọng phải được thực hiện.
Con đường "tăng trưởng xanh carbon thấp" nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhưng phải trong bối cảnh giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nhất định để giảm thiểu biến đổi khí hậu và tạo ra những động cơ tăng trưởng mới như công nghệ xanh, công nghiệp xanh, việc làm xanh. Vì vậy, mô hình này tạo ra một tiền đề là giảm phát thải khí nhà kính nhưng không làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế, mà còn mở ra các cơ hội phát triển mới.
Tăng trưởng xanh – chìa khóa sử dụng năng lượng bền vững. |
Quá trình thực hiện tăng trưởng xanh carbon thấp của Hàn Quốc có 4 mốc quan trọng, đó là: (1) Xây dựng khung quản trị vững chắc cho tăng trưởng xanh bằng việc thành lập Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh (PCGG) vào năm 2009; (2) Tăng cường môi trường pháp lý tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh bằng việc ban hành Luật khung về Tăng trưởng xanh carbon thấp năm 2010; (3) Huy động nhiều bộ, ngành lập ra các kế hoạch tăng trưởng xanh toàn diện ở các cấp, các ngành, cấp quốc gia và địa phương. Bao gồm cả Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009-2050) và Kế hoạch 5 năm (2009-2013); (4) Thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu bằng việc đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về giảm 30% phát thải khí nhà kính vào năm 2020, là mục tiêu cao nhất cho một quốc gia không nằm trong Phụ lục 1 của Nghị định thư Kyoto.
Sự kết hợp của 4 mốc này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc, vì nó tạo ra nền tảng thể chế, pháp lý và kế hoạch cho tăng trưởng xanh. Luật khung về Tăng trưởng xanh carbon thấp đã thành công trong việc thể chế hóa tăng trưởng xanh như một chính sách nội địa và đã tạo ra một hình mẫu tốt cho các quốc gia khác trong việc hoạch định chính sách toàn diện và năng động để tích hợp các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội vào một khung duy nhất. Sự ra đời của PCGG là một đột phá lớn về tổ chức vì tổ chức này có khả năng độc lập để huy động các nguồn lực liên bộ và liên ngành về quy hoạch tăng trưởng xanh. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận tăng trưởng xanh theo hướng hành động và có sự tham gia của toàn chính phủ của Hàn Quốc là một thực hành chính sách tốt có thể được nhân rộng ở các nước khác.
Xã hội carbon thấp
Để đáp ứng được mục tiêu giảm 30% khí phát thải vào năm 2020, Hàn Quốc đã áp dụng một chiến lược giảm nhẹ toàn diện, thành lập một trung tâm chuyên nghiệp về kiểm kê khí nhà kính và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào một số chương trình giảm phát thải, tạo ra Cơ chế mua bán tín chỉ phát thải Hàn Quốc (K-ETS).
Hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đối với ngành năng lượng hướng đến cả hai mặt cung và cầu của thị trường. Những biện pháp làm giảm nhu cầu năng lượng, cải thiện hiệu quả năng lượng, triển khai năng lượng tái tạo giải quyết các tác động của khủng hoảng dầu mỏ; đồng thời cải thiện môi trường, cải tổ cơ cấu kinh tế dựa trên những động lực tăng trưởng mới. Tiêu chuẩn về Tỷ lệ Năng lượng tái tạo (RPS) yêu cầu lớn các nhà sản xuất năng lượng quốc gia phải đáp ứng được mục tiêu là một phần năng lượng của họ phải được tạo ra từ năng lượng tái tạo.
Công nghệ xanh và đổi mới
Giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế nhanh, Hàn Quốc đã áp dụng công thức lựa chọn và tập trung vốn, thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với các đối tác toàn cầu. Trong số 27 công nghệ xanh chủ chốt được chọn làm lĩnh vực ưu tiên đầu tư và thương mại hóa, thì pin thứ cấp và LED đã cho thấy kết quả tốt nhất. Những thành tựu trong lĩnh vực này có tính chất rất quan trọng, tạo nền móng cho việc tạo ra các động cơ tăng trưởng mới.
Lối sống xanh
Làm xanh hóa lối sống của người dân đòi hỏi sự thay đổi hành vi của toàn xã hội, thông qua việc kết hợp các chính sách ràng buộc và khuyến khích hướng đến các nhóm, khu vực cụ thể; đồng thời tích hợp cả hai phương pháp truyền thông từ trên xuống và từ dưới lên.
Đất nước xanh và giao thông xanh
Để chuyển đổi cơ cấu công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của các thành phố, Kế hoạch 5 năm đã tập trung vào 3 điểm khởi đầu chính: quy hoạch đô thị, công trình xây dựng và giao thông vận tải. Nhiều dự án thí điểm về xanh hóa các hoạt động vận hành của thành phố và tái tạo đô thị do các bộ, chính quyền địa phương thực hiện đã góp phần làm hạn chế sự gia tăng tiêu thụ năng lượng của đô thị. Hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc đã được cải thiện đáng kể qua nhiều năm, thông qua số lượng hành khách và ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn cho các nước khác chẳng hạn như đề án xe buýt bán công và hệ thống tàu điện ngầm tích hợp.
Việc áp dụng các quy định pháp luật về xây dựng góp phần hạn chế sự gia tăng phát thải khí nhà kính của ngành xây dựng. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này nêu cao tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề đô thị phức tạp không phải theo cách giải quyết từng vấn đề đơn lẻ mà phải lồng ghép trong một hệ thống rộng lớn hơn, bao gồm các yếu tố vật chất, kinh tế, xã hội và hành vi.
Công nghiệp xanh
Hàn Quốc theo đuổi “chuyển đổi xanh” ngành công nghiệp, tập trung vào đổi mới theo hướng xanh các ngành công nghiệp cốt lõi, tái cơ cấu công nghiệp để phát triển carbon thấp và xanh hóa chuỗi giá trị. Việc thúc ép các doanh nghiệp đưa các yêu cầu về môi trường vào trong hoạt động kinh doanh đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc xanh hóa các ngành công nghiệp lớn như thép, hóa chất, ôtô và điện tử, là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính. Để thúc đẩy cải cách cơ cấu, chính phủ đã lựa chọn 17 ngành công nghiệp có tiềm năng cao nhất để tạo ra các thị trường mới và mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực. Việc xanh hóa chuỗi giá trị đòi hỏi sự hỗ trợ các doanh nghiệp xanh vừa và nhỏ, thúc đẩy quá trình quay vòng tài nguyên trong sản xuất công nghiệp, thành lập các tổ hợp công nghiệp xanh để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp công nghệ cao, quan hệ đối tác công tư đổi mới.
Tăng trưởng xanh vẫn được coi là một chính sách gắn liền với chiến lược phát triển của Hàn Quốc với sự ra đời của Kế hoạch 5 năm lần thứ hai về Tăng trưởng xanh (2014-2018), tập trung vào việc đạt được những kết quả đáng kể trong việc thiết lập một cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội các bon thấp, đạt được một nền kinh tế sáng tạo thông qua sự hội tụ của công nghệ xanh và công nghệ thông tin, và xây dựng một môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.