Bà Rịa – Vũng Tàu:

Nâng cao chất lượng quản lý và xử lý chất thải nguy hại

03/11/2020 16:43 Quản lý nguồn thải
Những năm gần đây, công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang gặp phải không ít khó khăn do lượng CTNH đang phát sinh ngày càng nhiều. Các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện và đạt được những kết quả khả quan.
Cần minh bạch hóa quá trình xử lý chất thải nguy hại
nang cao chat luong quan ly va xu ly chat thai nguy hai
Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường rà soát các cơ sở sản xuất có phát sinh CTNH.

Dân số ngày càng tăng, tốc độ công nghiệp hóa ngày càng phát triển… đang là những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm. Do đó, để nâng cao chất lượng quản lý và xử lý CTNH, thời gian qua, các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện.

Sở Tài nguyên & Môi trường đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu UBND tỉnh chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ xử lý CTNH hiện đại; đồng thời phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực tập trung nguồn thải; quản lý chất thải rắn thông thường, CTNH…

Hiện nay, lượng phát sinh CTNH trên địa bàn tỉnh khoảng 215 tấn/ngày, trong đó gồm có chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các KCN... Lượng chất thải này đang được thu gom, chuyển giao cho 07 đơn vị xử lý trên địa bàn tỉnh.

Các nhà máy xử lý CTNH xây dựng ở khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ đều có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng trong hoạt động thu gom, xử lý và tái chế CTNH khép kín, trong đó có nhà máy đã sử dụng lò đốt FSI-500 công suất 500kg/giờ với công nghệ đốt hiện đại nhất…

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 100 nghìn tấn bụi lò thép. Số lượng bụi lò thép này được thu gom, chuyển cho Công ty Cổ phần Kim loại màu Việt Bắc tại tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, tại tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Sia City Cement Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang xử lý.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng lựa chọn nhà đầu tư ZinCox Resources PLC để thực hiện dự án xử lý bụi lò thép có tổng công suất thiết kế 100.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ.

Nhờ chú trọng công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, đến nay tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định: rác thải công nghiệp thông thường đạt 100%, rác thải sinh hoạt đô thị đạt 95%; rác thải y tế nguy hại đạt 100%; CTNH đã được xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia đạt 100%, tăng 37,5% so với năm 2015, đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh, mới đây Sở Tài nguyên & Môi trường đã có công văn đề nghị Ban quản lý Khu công nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất có phát sinh CTNH nằm ngoài danh sách các cơ sở đã được cấp Sổ chủ nguồn thải CTNH, đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho các cơ sở đã được cấp phép xử lý CTNH theo đúng quy định.

Sở Tài nguyên & Môi trường cũng tiếp tục tăng cường hướng dẫn các cơ sở, dự án thực hiện các thủ tục về môi trường; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, để kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý những vi phạm thuộc lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy việc tái chế, thu hồi năng lượng và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Việt Hoàng
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động