Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trên 55.000 tỉ đồng ra thị trường
Tháng 8/2019, huy động hơn 10,8 nghìn tỉ đồng Trái phiếu Chính phủNgân hàng nhà nước ‘tuýt còi’, cảnh báo 'đua' lãi suất huy độngCần kiểm soát rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp |
Ảnh minh họa |
Theo bản tin thị trường tiền tệ tuần từ 26/8 đến 30/8/2019 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, kênh tín phiếu có 18.000 tỉ đồng đến hạn nhưng không phát sinh giao dịch mới, số dư tín phiếu về 0; thay vào đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chuyển sang mua kỳ hạn 7 ngày tổng cộng 13.133 tỉ đồng với lãi suất không đổi 4,75%/năm, kết thúc chuỗi hơn 5 tháng liên duy trì số dư tín phiếu lớn hơn OMO. Tính chung lại, NHNN đã bơm ròng 31.133 tỉ đồng qua thị trường mở.
Tuần trước đó, NHNN đã bơm ròng 23.980 tỉ đồng qua thị trường mở. Như vậy, tổng cộng cơ quan điều hành đã bơm ròng trên 55.000 tỉ đồng ra thị trường trong 2 tuần qua nhằm đáp ứng nhu cầu VNĐ cao trước kỳ nghỉ lễ 2/9.
SSI cho hay nhu cầu VNĐ tăng cao trước kỳ nghỉ lễ 2/9 đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có bước tăng mạnh lên mức 4,35%/năm với kỳ hạn qua đêm - tăng tới 1,23 điểm% so với cuối tuần trước đó.
"Nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong những ngày đầu tháng 9 dự kiến vẫn cao để đảm bảo nguồn dự trữ bắt buộc nên lãi suất trên liên ngân hàng có thể duy trì cao thêm một vài ngày tới. Chúng tôi cho rằng mức lãi suất này sẽ sớm giảm về mức 3-3,5%/năm khi qua những ngày cao điểm này" - đại diện SSI dự báo.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng nóng lên trong một vài tuần gần đây khi số lượng các NHTM đưa ra mức lãi suất cao với các kỳ hạn dài đang tăng lên, mức lãi suất từ 8%-8,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng và lên trên 9% với các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Hầu hết các NHTM áp dụng lãi suất huy động tốt hơn đối với khách hàng cá nhân. Với đối tượng khách hàng tổ chức, lãi suất có nhích tăng chút ít ở nhóm NHTM cổ phần nhỏ nhưng giảm nhẹ ở nhóm ngân hàng quốc doanh và các NHTM cổ phần lớn, ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Về diễn biến tỷ giá, tuần qua, dù USD tăng giá mạnh, đồng CNY liên tục giảm giá nhưng VNĐ vẫn khá ổn định. Tỷ giá giao dịch USD/VNĐ giảm 15 VNĐ/USD trên ngân hàng, về mức 23.130/23.250; và tăng 15 VNĐ/USD ở chiều mua vào, 20 VNĐ/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, lên mức 23.210/23.230.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tăng thêm 6đVNĐ/USD, lên 23.133 VND/USD, còn cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng và tiệm cận với tỷ giá mua vào của NHNN.
"Như vậy, dù áp lực quốc tế gia tăng nhưng VNĐ không những không mất giá mà còn tăng nhẹ 0,15% so với USD trong 8 tháng đầu năm 2019. Ngoài Việt Nam, một số đồng tiền châu Á như INR của Ấn Độ, PHP của Philippines, THB của Thái Lan…cũng tăng giá so với USD. Nguồn cung ngoại tệ trong nước rất dồi dào, chênh lệch lãi suất VNĐ-USD ở mức cao (1,8%/năm) sẽ hỗ trợ VNĐ tiếp tục giữ giá trong thời gian tới" - đại diện SSI cho hay.