Người Đà Lạt dỡ nhà kính để trồng vườn "truyền thống"
Khu nhà kính này vốn nằm trên khu vườn trồng dâu, trồng rau rộng 3.000 m2 của gia đình anh ở khu Vòng Lâm Viên (phường 8, Đà Lạt) và được cho thuê nhiều năm khi cả tám anh em Tân đều không theo nghề nông.
Nhà kính như lồng đầy thuốc độc
Anh Tân, kể sau khi học xong, anh không làm vườn mà đi làm cho một công ty, nhưng tình cờ công việc của anh Tân cũng liên quan đến rau củ: thu mua rau củ để cung cấp cho các siêu thị.
Công việc đó đồng thời cũng khiến anh chứng kiến rất nhiều điều bất ổn: đi đến đâu cũng thấy thuốc men, hóa chất rải khắp mương mán.
"Lúc đó tôi bất chợt nghĩ lại mảnh đất của gia đình mình. Ngày xưa gia đình tôi trồng dâu kiểu truyền thống. Nhưng khi tôi trở về đây thì khu vực này đã trắng xóa nhà kính, nhà màng" - anh Tân kể.
Lấy lại mảnh đất từ cuối năm 2017 đến nay, anh không cho thuê tiếp mà quyết định dỡ cả khu nhà kính mà anh phải trả cả tỉ đồng cho người thuê để được nhượng lại, trồng vườn "theo kiểu của cha mẹ" và đặt tên vườn là Smile Garden (Nhà cười).
"Tôi lớn lên cùng mảnh vườn này, cấp 1, cấp 2 vẫn đi làm vườn cùng với bố mẹ. Tôi không muốn người khác canh tác theo kiểu hóa học nữa. Mỗi lần họ phun thuốc thì nhà xung quanh phải đóng toàn bộ cửa lại. Nhà kính như cái lồng đầy thuốc độc. Nhiều người bị bệnh tật nhưng họ cố né tránh nguyên nhân có thể là vì tiếp xúc lâu ngày với đủ loại hóa chất trong nhà kính mà họ làm việc mỗi ngày. Chó mèo tôi nuôi ở đây đã có bốn con sùi bọt mép chết mỗi khi chúng chạy lang thang qua các vườn khác, nên giờ phải nhốt lại" - anh Tân chia sẻ.
Sự sống trở lại
Hơn một năm trời, vườn dâu cũ đang cho thu nhập hàng trăm triệu của chủ cũ bị lụi tàn dần vì anh không hề phun thuốc, bón phân. Nhưng dâu tàn thì bao nhiêu loại cỏ dại, rau dại, "rau trời" bắt đầu mọc um tùm.
"Chủ vườn cũ thấy tôi để vườn hoang tàn họ cũng sốt ruột thay. Nhưng tôi biết mình đang làm gì. Tôi trồng các loại cây cối mà tôi quen thuộc khi phụ bố mẹ làm vườn trước đây như bắp sú, súp lơ, cải bắp..." - anh kể.
Sau hơn một năm anh như thể là nông dân lười, để vườn hoang, nhưng "chim sẻ về làm tổ", giun dế bắt đầu quay lại khi đất bắt đầu tự thải độc và phục hồi.
"Nhiều loại rau tôi trồng quá phổ biến, nhiều khi không bán được, khi cỏ rác mọc lên thì lại nhận được thu nhập từ cỏ. 10 loại cỏ dại thì có đến 8 loại ăn được: tàu bay, bồ công anh, cải trời, cỏ hột nút, rau sam, dền cơm, rau lang, su su…" Anh vẫn lạc quan vì hiện "rau không đủ bán" dù giá cũng "trên trời".
Đến giờ thì cà chua socola, atiso, cần tây… bắt đầu sống khỏe trên đất mà chẳng cần phân thuốc. Khu vườn của anh thoạt nhìn vẫn như vườn hoang, đủ loại cây củ quả ken nhau mọc: hoa hồng, đậu trắng, thù lù, atiso, cải cầu vồng, hoa cúc mắt nai, đậu Sachi…
Trước mắt, anh sẽ tiếp tục quá trình thải độc đất, trồng luân canh nhiều loại cây theo mùa. Để khu đất khỏi bị nước và chất hóa học từ các khu nhà kính đang bao vây xung quanh, anh dự định sẽ xây dựng một "hàng rào xanh" bằng cách trồng các loài cây có khả năng hút chất độc như cây khoai mì tím, rau ngổ...
Đồng thời anh Tân cũng đang phối hợp với các bạn trẻ để thực hiện dự án Trả lại mảng xanh cho Đà Lạt với nhiều hoạt động, như xây một khu vực nhỏ để tổ chức các phiên chợ nông sản sạch. Bà con xung quanh sẽ mang nông sản sạch đến giới thiệu, bán hàng tại các phiên chợ.
"Nhiều người Đà Lạt và cả những người hay lui tới Đà Lạt thường than thở rằng Đà Lạt càng ngày càng nóng, Đà Lạt ô nhiễm, đi mãi không tìm thấy màu xanh. Nhưng chỉ luyến tiếc mà không làm gì thì Đà Lạt cũng chẳng có cơ hội để thay đổi" - anh chia sẻ.
Anh không kỳ vọng sẽ khiến nhiều người thay đổi, nhưng "ít nhất tôi có cơ hội để thay đổi suy nghĩ của người chủ đã thuê vườn trước đây, giảm đi một "tội phạm" đã gây ra sự nóng lên qua mỗi năm, những trận lụt mà chưa ai từng nghĩ sẽ xảy ra ở Đà Lạt".
Anh Tân (phải) và các tình nguyện viên tháo dỡ màng bọc nhà kính. Anh cho biết số màng bọc sẽ được tái chế để làm màn kéo di động cho khu vườn khi trời mưa lớn vì rất bền - Ảnh: VŨ THỦY |
Trái dưa vi cá mọc tươi tốt và ra trái rất lớn trong vườn nhà anh Tân mà không cần phân thuốc. Anh kể nhiều người đã xin hạt về trồng, cây mọc nhưng không có trái. Khi tìm hiểu anh mới biết phần lớn họ trồng trong nhà lưới không có sinh vật thụ phấn nên không có trái - Ảnh: VŨ THỦY |
Khu đất nhà anh Tân lọt thỏm giữa một khu trắng xóa nhà màng, nhà kính ở phường 8, TP. Đà Lạt - Ảnh: VŨ THỦY |
Hệ thống nhà kính anh Tân được sang nhượng lại từ chủ cũ với giá khoảng 1 tỉ đồng là một khoản tiền lớn với anh nhưng anh đã quyết định tháo dỡ - Ảnh: VŨ THỦY |
Những chú mèo thường ăn những loại cỏ thảo mộc trong vườn nhà anh vào sáng sớm. Nhưng anh thường xuyên phải xích giữ để chúng không chạy sang vườn nhà kính xung quanh nhiều thuốc trừ sâu và thuốc hóa học. Trước đó có hai con chó, hai con mèo đã chết sau khi chạy sang các vườn khác - Ảnh: VŨ THỦY |
Các loại rau cỏ mọc cạnh tranh với nhau trong khu vườn của anh Tân trong đó có rất nhiều loại rau dại ăn được - Ảnh: VŨ THỦY |
Trong Smile Garden có nhiều loại hoa cỏ như thường xuân, hoa cúc, mimosa, cúc tím... - Ảnh: VŨ THỦY |
Các loại hạt giống như bí vi cá, mimoso, mướp hương, đậu sachi... được anh cho miễn phí, tùy tâm người lấy trả tiền - Ảnh: VŨ THỦY |
Các sản phẩm trong vườn cũng được anh bán theo kiểu cửa hàng tự giác, người lấy tự lấy hàng và trả tiền vào hộp. Anh để sẵn lá chuối và dây chuối khô để khách gói rau mang về - Ảnh: VŨ THỦY |
Khu vườn được anh ví như vườn mọc hoang trồng cây luân canh theo mùa, mùa nào thức ấy - Ảnh: VŨ THỦY |
Căn nhà gỗ xinh xắn với hoa thường xuân và nhiều khu vực để dựng lều ngay trong khu vườn của anh - Ảnh: VŨ THỦY |
Anh Tân (áo đen bên phải) chia sẻ với sinh viên ngành nông nghiệp tại Đà Lạt và cả người Đà Lạt lớn tuổi tại buổi worshop về tháo dỡ nhà kính - Ảnh: VŨ THỦY |