Nhận diện "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông

10/01/2024 07:46 Nghiên cứu trong nước
Vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông (LVS) luôn được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, không chỉ là trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vấn đề ô nhiễm LVS đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành và dư luận xã hội. Công tác BVMT LVS đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, cả ở cấp Trung ương và địa phương

Trong báo cáo công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm một số lưu vực sông va hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSONMT) cho biết: Công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải, thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn các LVS đã từng bước được tăng cường; việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT đã được quan tâm; hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT được đẩy mạnh; cơ chế, chính sách, pháp luật, chế tài về BVMT tiếp tục được hoàn thiện, củng cố. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường nước LVS vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

Nhận diện
PV đã nhiều lần ghi lại được những hình ảnh dòng nước "đen ngòm" chảy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Nhận diện các nguồn thải là "thủ phạm" gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước LVS

Theo Cục KSONMT, các nguồn thải gây tác động, ảnh hướng đến chất lượng nước LVS đã được thống kê, xác định, cụ thể:

Nước thải sinh hoạt tại đô thị và nông thôn: Theo thống kê, có khoảng 7.680.000 m3/ngày.đêm nước thải sinh hoạt phát sinh trên cả nước từ các đô thị loại IV trở lên. Hiện tại đã có 43/50 nhà máy XLNT đô thị tập trung đang vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày.đêm. Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý trung bình toàn quốc đạt khoảng 12,5% theo công suất thiết kế, còn khoảng 87,5% (gần 7 triệu m3/ngày.đêm) chưa được thu gom, xử lý và bị thải trực tiếp ra môi trường LVS.

Nước thải từ các Cụm công nghiệp (CCN): Cả nước hiện có khoảng 698 CCN đang hoạt động, trong đó mới chỉ có 16,8% CCN có hệ thống XLNT, còn lại trên 83% chưa có hệ thống XLNT, vì vậy có một lượng lớn nước thải từ CCN chưa được xử lý và bị xả trực tiếp ra môi trường LVS.

Nước thải từ làng nghề: Hiện tại cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 2.009 làng nghề được công nhận. Hiện nay chưa có số liệu thống kê về lượng nước thải phát sinh và hiện trạng thu gom, XLNT làng nghề trên toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra thời gian qua cho thấy, mới có rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và XLNT đáp ứng các quy định về BVMT. Tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều làng nghề nhất trên cả nước, mới chỉ có khoảng 8,8% lượng nước thải làng nghề được thu gom, xử lý, còn lại phần lớn không được xử lý mà chảy thẳng ra các sông. Nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đang làm ô nhiễm cục bộ nguồn nước.

Nhận diện
Dòng nước thải có màu "lạ mắt" tại thị xã Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên từng được PV ghi nhận.

Nước thải chăn nuôi: Ngoài một số trang trại chăn nuôi tập trung là có xây dựng hệ thống XLNT, còn tại hầu hết hoạt động chăn nuôi tại các hộ gia đình trong đó phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm, nước thải không được xử lý và thải thẳng ra môi trường. Đây cũng là nguồn đóng góp đáng kể cho ô nhiễm LVS.

Ngoài những nguồn thải nói trên, còn một lượng lớn nước thải của các doanh nghiệp nằm ngoài Khu, CCN chưa được kiểm soát cũng như thống kê toàn diện cũng là nguồn thải gây tác động, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước LVS.

Kết quả sơ bộ công tác thanh, kiểm tra trong công tác bảo vệ môi trường:

Năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 88 cơ sở trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc các Lưu vực sông: Ba, Thạch Hãn, Sê Pôn, Kỳ Lộ, Sê San, Cầu và Đồng Nai. Kết quả kiểm tra, đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển người có thẩm quyền xử phạt đối với 31 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 22.649.290.000 đồng.

Đặc biệt năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan rà soát lại Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, tập trung nguồn lực theo dõi diễn biến chất lượng tại những khu vực nhạy cảm, những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.

Riêng đối với vấn đề ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp chủ trì Đoàn công tác đi thị sát thực tế và làm việc với một số địa phương có liên quan để nắm bắt thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai; triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 09/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, khẩn trương xây dựng “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS”, lấy ý kiến để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ.

Nhận diện những tồn tại trong công tác BVMT nước LVS:

Mặc dù công tác quản lý và BVMT nước các LVS được thực hiện theo quy định của 3 luật chuyên ngành là Luật Tài nguyên nước 2012, Luật BVMT 2020 và Luật Thủy lợi 2017 với hàng loạt các văn bản dưới luật và các quy định pháp luật khác có liên quan, song cho đến nay trên thực tế vẫn còn những bất cập trong các văn bản quy định pháp luật về BVMT mà chưa có những điều chỉnh, thay thế cho phù hợp. Cụ thể:

Các tổ chức quản lý LVS liên vùng, liên tỉnh đã được thành lập và hoạt động được nhiều năm trước đây (như Ủy ban BVMT LVS nay đã giải thể), tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn rất hạn chế do thiếu các cơ chế điều tiết nguồn lực phù hợp

Ở cấp địa phương, công tác triển khai thi hành pháp luật về quản lý và BVMT nước còn chậm, thụ động, còn nhiều quy định cụ thể chưa được triển khai xây dựng và thực hiện.

Kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện của các dự án XLNT tập trung trên các LVS còn chậm và chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Phần lớn các dự án XLNT được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế. Đối với các tỉnh khó khăn, việc huy động nguồn lực địa phương và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng trạm XLNT tập trung rất hạn chế, chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương. Ngoài ra, hiện nay có tình trạng một số địa phương đã xây dựng xong các công trình XLNT tập trung ở quy mô cấp huyện nhưng không có tiền đầu tư để xây dựng toàn bộ mạng lưới thu gom nước thải từ các hộ gia đình trên địa bàn nên dẫn đến không đáp ứng được hiệu quả XLNT đề ra.

Việc vi phạm pháp luật BVMT trên LVS vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Ý thức trách nhiệm về BVMT của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu về BVMT nên đã tạo điều kiện cho các dự án chưa xây dựng các công trình XLNT đi vào hoạt động hoặc cho phát triển quá mức các dự án có nguy cơ gây ONMT nước được triển khai trên LVS.

Công tác thống kê các nguồn nước thải vào các LVS của các địa phương đã được thực hiện, tuy nhiên chưa thường xuyên và đầy đủ, chưa xây dựng thành cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ, tổng hợp và đánh giá trên toàn lưu vực.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường nước LVS còn chưa hiệu quả. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường nước chưa được phát hiện hoặc xử lý kịp thời, nghiêm minh. Điều này dẫn đến tình trạng ONMT nước LVS ngày càng gia tăng.

Kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương nhìn chung đều thấp, trong khi đó yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.

Công tác quản lý môi trường nước LVS cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng dân cư vẫn chưa được tham gia đầy đủ, hiệu quả vào công tác này. Nguyên nhân là do thiếu sự tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác quản lý môi trường nước LVS cho cộng đồng; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia trong công tác giám sát, phản ánh các hành động gây ONMT trong xã hội.

Để giải quyết những vấn đề còn bất cập ở trên, Cục KSONMT kiến nghị: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS;

Bố trí nguồn lực, tập trung xử lý các điểm nóng về ONMT nước LVS;

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao một đơn vị đầu mối (nên là Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) thống nhất quản lý các hoạt động về xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước, đánh giá sức chịu tải của các LVS, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận nước thải; khẩn trương rà soát việc thực hiện đánh giá sức chịu tải môi trường nước mặt các sông liên tỉnh; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, trình Chính phủ ban hành./.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động