Nhận thức của người dân về túi nilon vẫn hạn chế

08/11/2019 14:37 Tác động môi trường
Nhà nước đang từng bước thực hiện việc giảm số lượng túi nilon thải ra môi trường bằng hàng loạt chính sách thuế và cách làm hay nhằm thay đổi nhận thức của người dân về rác thải nhựa
Bắc Giang: Đẩy mạnh phong trào "Chống rác thải nhựa" Hà Nội phấn đấu hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân hủy Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương

Tham khảo tại các cửa hàng, giá túi nilon loại dầy to các màu, ngoại trừ màu đỏ được bán đồng giá 42.000 đồng/kg, còn màu đỏ chỉ 35.000 đồng/kg; giá cốc nhựa dùng một lần là 1.300 đồng/cốc. Ở một cửa hàng khác cũng tại phố Hàng Chiếu, giá hộp nhựa đựng cơm loại 3 ngăn (dùng một lần) được bán với giá 80.000 đồng/150 cái; bịch ống hút được bán với giá từ 15.000 - 25.000 đồng…

Quan sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xuân, Nghĩa Tân, chợ Mơ cho thấy việc sử dụng túi nilon vẫn phổ biến và dường như mọi công tác truyền thông đều chưa phát huy tác dụng cao cho đến thời điểm hiện tại. Nhiều siêu thị cũng triển khai bán túi giấy, túi thân thiện môi trường nhưng đa phần người dân không mua mà vẫn xin túi nilon để đựng.

bien phap nao giam luong tui nilon
Túi nilon vẫn tràn ngập trên thị trường

Tương tự, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết: "Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ từ 1,5-2kg túi nilon. Nếu không dùng túi nilon đựng trái cây thì khách sẽ không mua và đi hàng khác, nên dù biết túi nilon gây hại nhưng chúng tôi vẫn phải dử dụng".

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, các siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã “nói không” với túi nilon. Tại TP. Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ như: Saigon Co.op, Co.opmart, Co.op Xtra… đang tiên phong sử dụng phương pháp sử dụng lá chuối để bọc sản phẩm. Sau đó, đã tạo thành một làn sóng lan truyền ra khắp các hệ thống siêu thị trên cả nước. Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội cũng áp dụng từ vài tháng nay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon đang rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng, mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Để từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng sử dụng túi nilon, TS. Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường) cho rằng, phải đánh mạnh vào tiền thuế. Ông đưa ra thống kê chưa đầy đủ về chính sách thuế ở hơn 50 nước, trong đó có 27 nước đánh thuế vào việc sản xuất, còn khoảng 30 nước đánh thuế vào việc tiêu thụ.

Cụ thể, nếu một người trả tiền mua túi nilon ở siêu thị thì khoản tiền này đã bao gồm thuế túi nilon. Như vậy, việc đánh thuế vào việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức điều chỉnh hành vi người dùng, góp phần giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này.

TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính phân tích: "Nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nilon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nilon phải gấp ít nhất 4 - 5 lần hiện nay. Vì ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg, một kg túi nilon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn... Lúc đó, ý thức sử dụng túi nilông sẽ khác".

Hiện một số công ty cũng đang mở rộng sản xuất sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường thay thế cho đồ nhựa. Nhà nước cần có biện pháp thay đổi dài hơi để dần thay đổi nhận thức trong nhân dân, góp phần xóa bỏ nạn rác nhựa nhằm bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Thanh Hương
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động