Những chuyển biến tích cực về môi trường văn hóa trong các lễ hội đầu Xuân của thủ đô Hà Nội

06/03/2024 09:30 Văn hóa
Hà Nội, mùa Xuân đến luôn biết cách khiến mọi người nhớ thương. Với các lễ hội mùa xuân Hà Nội, bầu không khí vào những ngày đầu năm mới tại thủ đô lại càng sống động và rộn ràng hơn.
Những chuyển biến tích cực về môi trường văn hóa trong các lễ hội đầu Xuân của thủ đô Hà Nội

Đặc biệt, mùa lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Hà Nội cùng cả nước thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống nên các hoạt động về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại các lễ hội ngày càng được quan tâm, chú trọng giúp cho việc vui Xuân càng thêm ý nghĩa và trọn vẹn

Ở thủ đô có nhiều lễ hội lớn, tiêu biểu mang tính chất vùng miền như: Lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, (huyện Đông Anh)... So với những năm trước mùa lễ hội năm nay, hầu hết các đền, chùa, phủ, di tích... trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trong việc nâng cao văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, gọn gàng, tình trạng tranh giành lộc, rải tiền lẻ, đốt vàng mã bừa bãi giảm đáng kể, người dân đi lễ văn minh hơn. Những người quản lý di tích luôn túc trực để hướng dẫn người dân hành lễ đúng quy định.

Để chuẩn bị tốt cho mùa lễ hội năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch từ cuối năm 2023, trong đó yêu cầu việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch; thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống...

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại một số di tích, lễ hội vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần phải xử lý triệt để. Vì vậy, để mỗi mùa lễ hội đến được thực sự vui, trọn vẹn và ý nghĩa hơn, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, lễ hội. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh là tài sản vô giá từ thế hệ cha ông để lại cho các thế hệ mai sau. Do đó việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan của di tích không chỉ là trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan chức năng, mà cần sự chung tay của mỗi người dân, của các hộ kinh doanh và du khách khi đi tham quan, du lịch đầu xuân.

Minh Nguyệt
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động