Những thảm án gia đình: Tham lam, hiềm tị như khối u ác tính
Hà Nội: Nghi án anh trai truy sát cả nhà em, 2 người chết, 3 người nguy kịch |
Vụ án tối 14/9, tại phường Chùa Hang (Thái Nguyên) anh chém gia đình em gái khiến em gái tử vong, còn em rể và cháu trai bị thương nặng được xác định nguyên nhân ban đầu là do em gái nợ tiền.
Trước đó một ngày, tại xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình, ngay tại lễ cúng 49 ngày của bố, em trai (Nghiêm Xuân Thành, sinh năm 1999) đã đâm chết anh trai cũng chỉ vì anh muốn mang điếu cày lên chùa cho mọi người hút nhưng em không đồng ý. Anh đánh em gãy răng và em đã rút dao đâm chết anh.
Hiện trường án mạng kinh hoàng vụ anh chém gia đình em làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng tại Đan Phượng, Hà Nội ngày 1/9 |
Ngày 7/9, một đứa trẻ 10 tuổi đang ngồi chơi trong phòng bỗng dưng bị bác ruột (49 tuổi, ở xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang) xông vào chém đứt lìa tay, mù mắt. Ngày 2/9, người chồng (35 tuổi, ở xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đổ xăng đốt vợ là chị Y Chơ Rung Tăng (34 tuổi) đang mang thai gần 7 tháng vì nghi vợ ngoại tình khiến cả hai vợ chồng và đứa con chưa chào đời tử vong.
Còn ngày 1/9, thảm án tại Đan Phượng (Hà Nội) anh chém chết 4 người trong gia đình em trai, còn 1 người bị thương nặng.
Những tội ác "không thể nào tin được", vô cùng khó hiểu khi người anh vốn dĩ hiền lành lại có thể cầm dao đoạt mạng 5 người, kể cả đứa trẻ mới hơn 1 tuổi. Hay người bác vốn vẫn thân thiện với cháu lại có hành vi ghê rợn như vậy. Còn người vợ đang mang trong mình kết tinh tình yêu của mình với chồng, ngờ đâu… Đứa em giết anh chỉ vì mâu thuẫn nho nhỏ từ chiếc… điếu cày.
Khi người xung quanh được hỏi về cuộc sống thường ngày của kẻ gây tội ác, câu trả lời hầu hết giống nhau: "Bình thường tốt bụng, thân thiện, ít lời, giản dị, là người chồng, người con mẫu mực, hiếu thảo…". Vậy tội ác bắt đầu từ đâu? Tại sao có thể núp dưới cái bóng hài hòa, thân thiện, tốt bụng lâu như vậy? Tội ác đã "phát bệnh" từ lúc nào?
Cuộc sống ngày nay, với sự biến chuyển dữ dội của nền kinh tế thị trường, đã khiến cho thước đo về giá trị thay đổi nhanh chóng. Những cốt lõi đạo đức, giá trị sống truyền thống đã bị đẩy lùi bởi tiền bạc. Nhiều người nhận thức rằng chỉ có tiền, nhiều tiền và rất nhiều tiền mới làm nên "giá trị" của họ.
Họ nghĩ, trong nhà phải chất đầy đồ đạc, trên người phải khoác những thứ lấp lánh, xe phải sang, điện thoại xịn, ăn món đắt tiền, đi du lịch các nước tiên tiến thì mới thức thời, mới sang chảnh, mới được tôn trọng…
Và khi không bằng bạn bằng bè, nhiều người cảm thấy dằn vặt, ghen tị, uất ức. Có thể là sự ghen tị vì người em có miếng đất to hơn, cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn. Hay ghét hàng xóm có xe đẹp, bạn đồng học có nhà to, vợ xinh… Lâu dần, sự hờn ghen nho nhỏ biến thành nỗi giận dữ lớn, ám ảnh chúng ta đến mức thành các khối u ác tính tiềm tàng trong cơ thể.
Và mỗi người tìm cách phát tác khác nhau. Người muốn mình mạnh như hàng xóm nên dùng rượu để giải sầu, để kích động cái tôi cao lên theo độ cồn đổ vào người. Kẻ lại tìm cách “đập đá” để thấy sung sướng hạnh phúc một cách dễ dàng. Kẻ đánh đập vợ con để trút hận, để thấy mình “oách”.
Lại có người chỉ lành lành, hiền hiền ngẫm nghĩ thâu đêm suốt sáng. Lâu ngày. sự ghen ghét thành nỗi ám ảnh đến mất ăn mất ngủ, đến đau đầu, đau dạ dày… Nhiều người sa vào trầm cảm, vào hoang tưởng một cách bệnh hoạn. Khi đó, tội ác tày trời xảy ra….
Như vậy, ghen tị, tham lam giống như khối u ác tính, ngày càng di căn theo thời gian. Đến khi nó “ăn tim”, “ăn não”, chúng ta sẽ có hành động điên cuồng. Tội ác xảy ra, hoàn toàn bất ngờ, khó lý giải và khó phòng ngừa.
Điều đáng lo ngại rằng, ngày càng nhiều người có "khối u ác tính" trong người, dẫn đến stress, trầm cảm, rối loạn hành vi nhưng đa số chúng ta lại không hề được chữa trị. Số liệu của Bộ Y tế ước tính khoảng 70-80% người có các biểu hiện stress, trầm cảm đã không được khám và điều trị.
Bởi vì, chúng ta mải chạy theo làm kinh tế, phát triển xã hội ở bề nổi mà ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý. Từ cá nhân đến các cơ quan, tổ chức, hay tầm vĩ mô hơn nữa đều ít quan tâm đến điều này.
Việt Nam cũng có một số chính sách chăm sóc người tâm thần nhưng chỉ dành cho đối tượng “nặng” đã rối loạn tâm thần phân liệt hoặc động kinh. Còn Chiến lược Quốc gia Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không có chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe 2016 - 2020 với 8 dự án thành phần cũng không hề có dự án nào dành cho sức khỏe tâm thần. Còn Dự thảo Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tầm thần giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 dù đã có nhiều cuộc hội thảo bàn cãi, "nâng lên đặt xuống" nhiều lần nhưng cũng chưa được phê duyệt.
Hiện nay, rối loạn tâm thần được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm. Nhưng rõ ràng, với sự phát triển ào ào của xã hội hiện nay, stress, trầm cảm đi cùng với các tệ nạn nghiện rượu, nghiện ma túy, tự sát… đã thực sự là trở thành căn bệnh “lây nhiễm” với tốc độ ngày càng gia tăng. Chúng không cấp tính, không biểu hiện rõ rệt mà âm thầm phá hủy tâm trí, sức khỏe của nhiều người. Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn cấp thiết, sẽ càng nhiều tội ác, nhiều gánh nặng xã hội sẽ xảy ra.
Do vậy, chúng ta đừng để chỉ mở đường, xây dựng khu công nghiệp... mà quên chăm sóc con người. Bởi ở mỗi nơi đường lớn đi qua, tệ nạn sẽ ào đến, khu công nghiệp mọc lên tăng thêm việc làm, bổ sung ngân sách nhưng mâu thuẫn xã hội cũng dày lên... Con người càng dễ trầm cảm, dễ phát điên, dễ đánh nhau, giết nhau vì tranh chấp nhỏ.
Đã đến lúc, chúng ta cần có những chính sách quyết liệt hơn với chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân dân. Bên cạnh dự án phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, cần có những chính sách chăm sóc con người, trong đó có chăm sóc sức khỏe tâm thần, dạy kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn tiến kịp với sự phát triển của xã hội.
Trong khi chờ đợi Nhà nước có những quyết sách quyết liệt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân dân, nhằm giảm thiểu các tội ác, các gánh nặng từ trầm cảm, stress, nghiện ngập, mỗi chúng ta nên tự xem xét lại "khối u" trong mình.
Chúng ta cần sống chậm lại, tự soi vào bản thân xem có nỗi thù hận, ghen tuông, giận dữ, hiềm tị ai đến mức ám ảnh hay chưa chưa để tìm cách trị liệu. Hoặc ít nhất, nếu chúng ta đau đầu, mất ngủ kéo dài hãy đi khám tâm thần. Đừng để khối u hiềm tị di căn thành tội ác, hủy diệt cả chúng ta và những người xung quanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện sức khoẻ Tâm thần Bạch Mai, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ rối loạn trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, có khoảng 36.000-40.000 người Việt tự sát vì trầm cảm. Số liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy, ước tính khoảng 70-80% người có các biểu hiện stress, trầm cảm đã không được khám và điều trị. |