Nỗ lực cải cách mang đến niềm tin cho doanh nghiệp
Hà Nội công bố một số thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm thủ tục hành chính Bãi bỏ 44 thủ tục hành chính về bảo vệ và phát triển rừng |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên về nỗ lực và kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua.
PV: Thưa ông, WEF vừa đưa ra bảng xếp hạng mới nhất về năng lực cạnh tranh, theo đó, Việt Nam tăng thêm 10 bậc. Đây là kết quả của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, xin Bộ trưởng chia sẻ về vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Chúng ta rất vui khi WEF vừa công bố "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019", theo bảng xếp hạng mới nhất này, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018. Đây là kết quả sau nhiều năm chúng ta cố gắng hết sức trong cải cách TTHC.
Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên lắng nghe doanh nghiệp, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. |
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng luôn luôn quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ cải cách luôn được Thủ tướng nêu tại tất cả các phiên họp Chính phủ với những chỉ đạo quyết liệt về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh được coi là giải pháp hữu hiệu, không tốn kém, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Kể từ năm 2014 đến nay thì đây là năm thứ 6 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị nhằm tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các Bộ trưởng cũng như người đứng đầu các địa phương.
Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị có nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC; đã nghiêm túc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị cải cách chính sách, quy định, TTHC và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách TTHC, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.
Từ năm 2018 đến nay, hầu như không phiên họp Chính phủ tháng nào Thủ tướng không đề cập tới yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thậm chí, Thủ tướng đã đặt câu hỏi trực tiếp với các thành viên Chính phủ và liên tục nhấn mạnh yêu cầu không nâng cơ học các điều kiện đầu tư kinh doanh từ thông tư lên nghị định, kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu cần cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nhấn mạnh nếu chúng ta không thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh.
PV: Bộ trưởng có thể chia sẻ về một số kết quả cụ thể trong nỗ lực cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Từ sự quyết liệt từ những năm trước, đến năm 2018 là năm chứng minh những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đem lại thành công trong vấn đề cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Từ năm 2018 đến nay, để cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp lý, Chính phủ đã ban hành 31 Nghị định để chính thức cắt giảm 3.451 điều kiện kinh doanh không hợp lý trên tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 111% so với mục tiêu, giúp tiết kiệm hơn 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương gần 894 tỉ đồng/năm).
Các Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng; cắt giảm và đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công, tương đương 5.442,8 tỉ đồng/năm. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ cải cách kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh vào khoảng hơn 18 triệu ngày công, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm.
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại qua biên giới. Năm 2018 chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỉ đồng thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu.
Hiện nay, riêng hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn 1-3 giây; tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 19,1%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ cải cách kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh vào khoảng hơn 18 triệu ngày công, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. |
Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả khi 54/63 địa phương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, việc này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.
Để đạt được kết quả như vậy là do Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, tất cả các phiên họp Chính phủ đều đặt vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Trong đó Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên lắng nghe doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi với các Bộ để rà soát các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Những cải cách như vậy đã đem lại niềm tin cho doanh nghiệp.
PV: Trong quá trình làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, không hiếm lần Tổ công tác của Thủ tướng đã phải "gay gắt", quá trình này khó khăn như thế nào để có kết quả như ngày hôm nay?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: Ở nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng với nhiệm vụ giúp Thủ tướng đôn đốc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ có khó khăn vì đầu tiên là vấn đề có thể động chạm quyền lợi, lợi ích nhóm. Tuy nhiên dựa trên sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta phải minh bạch, nếu không sẽ là rào cản khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ quyết tâm của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng quyết liệt trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, không ngại va chạm, dám làm và làm nhiều việc khó nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành. Những lời khen hay nhắc nhở các đơn vị, Tổ công tác đều truyền đạt đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, nhất là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đến nay, những nỗ lực của cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là được người dân, doanh nghiệp đánh giá cởi mở hơn, hiệu quả hơn.
Đối với bảng xếp hạng mới nhất về năng lực cạnh tranh, chúng ta vui mừng nhưng tôi khẳng định là chúng ta chưa thỏa mãn, vì dư địa cải cách để chúng ta tăng trưởng còn rất nhiều.
Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thì chúng ta vẫn tiếp tục rà soát, cắt giảm, cải cách hành chính mang tính thực chất hơn nữa, lượng hóa cụ thể bằng thời gian, giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!