Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

27/12/2021 16:09 Nghiên cứu, trao đổi
Trong thực tế phát triển của nền kinh tế, mỗi chủ thể đều được xác nhận quyền sở hữu tài nguyên nhất định trong đó chủ thể là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay nhà nước và tài nguyên ở đây bao gồm sức lao động, cơ sở hạ tầng, sản phẩm hàng hóa và các dịch vụ. Mỗi loại tài nguyên đều có giá trị sử dụng trong một giai đoạn nhất định và việc khai thác, sử dụng các giá trị này với hiệu suất tối đa là một yêu cầu nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

Xuất phát từ các đặc điểm khan hiếm các nguồn tài nguyên trong xã hội và yêu cầu của sự phát triển bền vững, nhiều ý tưởng, giải pháp về việc chia sẻ quyền sở hữu các dạng tài nguyên này đã được vận dụng với nhiều mô hình đơn giản và phổ biến. Trước nhu cầu và thực tiễn khách quan của quá trình phát triển, các mô hình chia sẻ đã được áp dụng rộng rãi và phổ biến trên nền tảng kết nối internet và xuất hiện thêm các giao dịch kinh tế từ các mô hình chia sẻ này đã hình thành nên một phạm trù mới là Kinh tế chia sẻ. Các giao dịch kinh tế phổ biến hiện nay là chi trả tiền thuê tài sản và một khoản phí nhỏ cho nền tảng cung cấp dịch vụ kết nối.

Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Mục tiêu số 12. Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm (SDGs 2030)

Với ưu điểm của mô hình kinh tế chia sẻ là phát huy hiệu quả tối đa mọi nguồn lực mà doanh nghiệp sở hữu, từ đó góp phần tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp sẽ đóng quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững của quốc gia và của thế giới. Do đó, việc mở rộng các mô hình kinh tế chia sẻ áp dụng liên ngành, liên lĩnh vực tạo thành các chuỗi liên kết, mạng lưới các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai (hình thành hệ sinh thái) sẽ là xu hướng có tiềm năng lớn, đòi hỏi cần có những giải pháp, công cụ và nền tảng để hỗ trợ phát triển.

Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững được tiếp cận theo vòng đời sản phẩm, tăng cường liên kết giữa các khâu từ khai thác chế biến nguyên nhiên liệu đến sản xuất, phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tiêu dùng và thải bỏ nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ là thúc đẩy các hoạt động hợp tác chia sẻ, trao đổi các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất và tiêu dùng trong mỗi ngành, lĩnh vực hướng đến mở rộng quy mô áp dụng liên ngành, liên lĩnh vực góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững.

Theo Từ điển Oxford, “Kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet [2]. Khái niệm kinh tế chia sẻ hiện nay thường gắn với việc sử dụng các công cụ nền tảng Internet trực tuyến, các ứng dụng công nghệ thông tin mới làm cho các dịch vụ này lan rộng với tốc độ nhanh chóng. Giao dịch trong kinh tế chia sẻ hay trao đổi ngang hàng thường thông qua một bên thứ ba độc lập sử dụng nền tảng chuyển giao qua mạng internet hoặc một ứng dụng di động.

Trong điều kiện của Việt Nam, kinh tế chia sẻ được hiểu là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, trong đó đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số [2]. Dưới góc nhìn của sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế chia sẻ là phương thức hợp tác, kinh doanh mà ở đó các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết nhằm phát huy tối đã hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí đầu tư của các bên tham gia.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, các mô hình kinh tế chia sẻ đã phát triển mạnh mẽ dưới nhiều dạng thực khác nhau như cho vay xã hội, thuê nhà chung, cùng thuê dịch vụ du lịch, chia sẻ xe hơi cá nhân v.v... hay có thể cho thuê bất cứ thứ gì đang không sử dụng thậm chí cả nhà máy hay máy móc,... thông qua các công ty môi giới hoặc kết nối thông tin trên internet mà bên thuê và bên cho thuê biết rõ thông tin của nhau. Thông qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ cao trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm có thể đáp ứng tốt kết nối trong mô hình kinh tế chia sẻ. Nói cách khác, bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng là mô hình kinh doanh của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Trong lĩnh vực sản xuất, mô hình kinh tế chia sẻ được thể hiện thông qua việc hợp tác, liên kết chia sẻ các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất sản phẩm nhằm gia tăng hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực này. Các nguồn lực có thể bao gồm năng lực trong vận chuyển nguyên nhiên liệu đầu vào; năng lực chế biến nguyên liệu sản xuất; khai thác và sử dụng năng lượng; mặt bằng nhà xưởng; trang thiết bị, dụng cụ, máy móc phục vụ sản xuất; nguồn lao động hay chuyên gia. Các hoạt động hợp tác chia sẻ này vừa đem lại lợi ích về kinh tế, vừa giảm thiểu phát sinh chi phí, chất thải và xử lý ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, việc hợp tác, liên kết chia sẻ các nguồn lực trong lĩnh vực sản xuất mới chỉ được triển khai trong nội bộ một ngành theo chuỗi sản xuất và việc liên kết đều dựa trên các liên hệ trực tiếp thông qua các Hiệp hội ngành nghề hoặc mạng lưới các doanh nghiệp, đối tác thân quen. Việc áp dụng, triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết chia sẻ các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết giữa các doanh nghiệp bị hạn chế bởi khoảng cách (mặt bằng nhà xưởng, mặt bằng không gian, máy móc, thiết bị...) và tính đặc thù của mỗi dây chuyền sản xuất của các sản phẩm, ngành hàng.

Với các ưu điểm của mô hình kinh tế chia sẻ là phát huy hiệu quả tối đa mọi nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Việc mở rộng áp dụng các mô hình kinh doanh dựa trên quan điểm của kinh tế chia sẻ, áp dụng liên ngành, liên lĩnh vực tạo thành các chuỗi liên kết, mạng lưới các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai (hình thành hệ sinh thái) hay liên kết giữa các doanh nghiệp trong một khu, cụm công nghiệp... sẽ là xu hướng có tiềm năng lớn và cần có những phương tiện, công cụ và cơ sở hạ tầng quản lý và chia sẻ kết nối thông tin các nhu cầu và khả năng hợp tác chia sẻ của các bên.

1. Thực tiễn phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Trên cơ sở điều tra, khảo sát về hiện trạng các hoạt động hợp tác, áp dụng các mô hình kinh tế chia sẻ tại các ngành Dệt may, Da giầy, Rượu – Bia – Nước giải khát, Sữa, Giấy và bột giấy, Hóa chất, Cơ khí, Luyện kim, Khai thác và chế biến khoáng sản, Điện, Than, Dầu khí, Giao thông vận tải, Vật liệu xây dựng, và ngành nông nghiệp, ta có thể xác định được các mô hình kinh tế chia sẻ đã có tại Việt Nam gồm:

Trong lĩnh vực sản xuất, tiếp cận theo nguồn lực có thể hình thành các mô hình kinh tế chia sẻ đối với 1) Năng lực vận chuyển nguyên nhiên liệu đầu vào; 2) Năng lực khai thác, chế biến nguyên liệu sản xuất; 3) Khai thác và sử dụng năng lượng; 4) Mặt bằng nhà xưởng; 5) Trang thiết bị, dụng cụ, máy móc phục vụ sản xuất; 6) Lực lượng lao động và chuyên gia.

Hiện trạng các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực sản xuất:

- Các mô hình kinh tế chia sẻ nêu trên đã và đang được các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất áp dụng. Tuy nhiên, quy mô và mức độ phổ biến còn nhiều hạn chế do các nguyên nhân về nhận thức về vai trò, cơ hội của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp và các hạn chế về đặc thù của các loại nguồn lực trong lĩnh vực này.

- Khả năng kết nối nhu cầu chia sẻ còn hạn chế, chủ yếu là kết nối thông qua mối quan hệ công việc và chuỗi cung ứng, thiếu nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ.

- Các hoạt động hợp tác chia sẻ trong lĩnh vực này chủ yếu được thực hiện giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp (hợp tác B2B) thông qua các hợp đồng kinh tế, giao dịch có điều kiện theo thỏa thuận và các quy định của pháp luận hiện hành.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, tiếp cận theo nguồn lực các mô hình kinh tế chia sẻ được thực hiện đối với: 1) Dịch vụ vận tải; 2) Dịch vụ phòng ở; 3) Dịch vụ cung cấp nền tảng kỹ thuật số để mua - bán các sản phẩm, cung cấp dịch vụ; 4) Năng lực lưu trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm hàng hóa; 5) Nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng; 6) Chia sẻ lợi ích từ các hoạt động tiêu dùng bền vững. Tiếp cận theo từng ngành, các mô hình kinh tế chia sẻ có thể là: 1) Mô hình cho vay hàng ngang (lĩnh vực tài chính); 2) Mô hình chia sẻ nơi lưu trú (ngành du lịch); 3) Mô hình chia sẻ văn phòng - khách sạn (lĩnh vực xây dựng); 4) Mô hình chia sẻ thư viện điện tử dùng chung, nguồn học liệu mở, đào tạo từ xa qua mạng... (lĩnh vực giáo dục); 5) Mô hình sử dụng chung các trang thiết bị y tế, chẩn đoán từ xa, chia sẻ trang thiết bị xét nghiệp, phân tích dùng chung... (lĩnh vực y tế); 6) Mô hình chia sẻ năng lực tái sử dụng, xử lý, tái chế tuần hoàn tài nguyên (lĩnh vực môi trường).

Hiện trạng các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tiêu dùng có đặc điểm:

- Các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tiêu dùng khá phổ biến, được phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhận thức và sự quan tâm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa đầy đủ, dẫn tới nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ đã không được phổ biến, triển khai áp dụng.

- Số lượng các chủ thể tham gia là rất lớn, không bị giới hạn về không gian, thời gian nên dễ dàng phát triển nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số và nền tảng internet.

- Mối quan hệ hợp tác chia sẻ trong lĩnh vực này rất đa dạng, bao gồm giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng (Hệ sinh thái kinh tế chia sẻ) thông qua các hợp đồng/điều khoản sử dụng dịch vụ, giao dịch có điều kiện theo các quy định của pháp luận hiện hành và theo thỏa thuận.

2. Định hướng chính sách phát triển kinh tế chia sẻ của Việt Nam

- Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Đảng đã xác định giải pháp đột phá chiến lược “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

- Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Agenda 2030) là một cam kết đặt nền móng trên quy mô toàn cầu gồm 17 mục tiêu (SDGs) và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững nằm trong ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường nhằm phối hợp giữa chính sách của các quốc gia hướng đến một mục tiêu và tầm nhìn chung cho toàn nhân loại. Để đạt mục tiêu số 12 về sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, các quốc gia cần triển khai Chương trình hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu về quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm lãng phí ở khâu phân phối và tiêu dùng theo chuỗi vòng đời sản phẩm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc giảm thiểu chất thải, tái chế và tái sử dụng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 gồm 635 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành, địa phương để thực hiện trong đó có 14 nhóm nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế chia sẻ, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Như vậy, việc phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và của Việt Nam.

Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

17 Mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc

- Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 có nêu quan điểm: 1) Ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; 2) Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ; 3) Khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 đang được triển khai với quan điểm về mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững của Việt Nam gồm:

1) Tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; 2) Coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; 3) Huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm. Theo đó, Chương trình tập trung hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bền vững và các giải pháp kỹ thuật nhằm tiêu dùng bền vững trong nội vi một doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, tái chế, thu hồi tuần hoàn tài nguyên theo chuỗi vòng đời sản phẩm...

Như vậy, việc xây dựng một chính sách tổng thể về phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vữngđược thực hiện và triển khai sẽ góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và hoàn thiện, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần đạt mục tiêu SDG số 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, xây dựng và hình thành mô hình kinh tế chia sẻ, cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ Quyết định 999/QĐ-TTg và Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Đề xuất chính sách phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam

Chính sách phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững được xây dựng dựa trên các quan điểm chủ đạo như sau:

- Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững được tiếp cận theo vòng đời sản phẩm, trong đó tăng cường liên kết giữa các khâu từ khai thác chế biến tài nguyên, nguyên liệu đến sản xuất, phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tiêu dùng và thải bỏ, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu phát sinh chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

- Tạo lập môi trường kinh doanh hợp tác chia sẻ thuận lợi và hiệu quả giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong quản trị và vận hành.

- Huy động sự tham gia của mọi thành phần trong nền kinh tế trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm; hình thành các mô hình kinh doanh hỗ trợ thực hiện nhu cầu hợp tác chia sẻ trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng số.

Trên cơ sở các quan điểm trên, các chính sách cần tập trung giải quyết 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:

i) Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ phục vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ năng lực trong vận chuyển nguyên nhiên liệu đầu vào; năng lực chế biến nguyên liệu sản xuất; năng lực khai thác và sử dụng năng lượng; mặt bằng nhà xưởng; trang thiết bị, dụng cụ, máy móc phục vụ sản xuất; nguồn nhân lực trong sản xuất theo phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

- Nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ năng lực trong lưu trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm, hàng hóa; sử dụng hiệu quả năng lượng; không gian, mặt bằng nhà ở, văn phòng, mái các công trình xây dựng; đồ dùng, dụng cụ, máy móc, thiết bị gia đình và văn phòng trong tiêu dùng theo các phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C).

- Nghiên cứu, xây dựng và thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ năng lực trong lưu trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm, hàng hóa; nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng; và giá trị, lợi ích từ các hoạt động tiêu dùng bền vững kết hợp sản xuất và tiêu dùng theo các phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng (Hệ sinh thái kinh tế chia sẻ).

- Xây dựng và phát triển cổng thông tin kết nối nhu cầu hợp tác triển khai các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các phương thức trực tiếp hoặc nền tảng số.

- Hỗ trợ triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình kinh tế chia sẻ trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hình thành các hệ sinh thái kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các dự án hình thành mô hình kinh doanh, dịch vụ cung cấp nền tảng hỗ trợ thực hiện các nhu cầu hợp tác chia sẻ trong nền kinh tế.

ii) Tuyên truyền, phổ biến các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Xây dựng các tài liệu phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật về các mô hình kinh tế chia sẻ trong sản xuất, tiêu dùng bền vững. Hình thành cơ sở dữ liệu về các mô hình kinh doanh hợp tác chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Phổ biến các mô hình kinh tế chia sẻ tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn giải pháp khoa học và chuyển giao công nghệ.

- Phổ biến các ý tưởng, mô hình kinh tế chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng, người dân cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ các hoạt động hợp tác chia sẻ của mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Tuyên truyền, phổ biến các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững đến từng doanh nghiệp, cộng đồng và người tiêu dùng. Hình thành văn hóa hợp tác chia sẻ hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, từng ngành và của toàn xã hội.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

iii) Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới từ các hoạt động hợp tác chia sẻ hiệu quả, thành công và có tiềm năng.

- Xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách và triển khai thử nghiệm (dạng sandbox) phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ phục vụ sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Tuyên truyền, phổ biến các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Như vậy, trong bối cảnh áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ như là một giải pháp góp phần phát huy hiệu quả tối đa mọi nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững quốc gia. Việc xây dựng và ban hành chính sách tổng thể phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”.

Th.S Lê Thị Thu Thanh, Th.S Nguyễn Quang Huy,

Th.S Đồng Thị Minh Hà, Th.S Trần Văn Việt

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo xây dựng Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, năm 2019;
  3. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;
  4. Quyết định số Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Chương phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam;
  5. Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động