Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh

08/11/2022 14:16 Nghiên cứu, trao đổi
Khi nhận thức bảo vệ môi trường nâng cao, người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố xanh - bền vững khi mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao

1. Xu hướng tiêu dùng xanh và mối quan hệ với phát triển du lịch cộng đồng

Trên thế giới hiện nay xu hướng tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển, đối với các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên cũng dần tiếp cận với xu hướng này. Tiêu dùng xanh có thể được hiểu là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên[1]. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu.

Khi nhận thức bảo vệ môi trường nâng cao, người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố xanh - bền vững khi mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Du lịch là ngành dịch vụ cũng không nằm ngoài xu hướng tiêu dùng xanh, đó là du khách ngày càng quan tâm hơn đến các điểm đến xanh, sản phẩm xanh,… và có thể sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh. Kể từ khi đại dịch Covid -19 xảy ra đến nay, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Hướng dẫn của G20 Rome cho tương lai du lịch, UNWTO đưa ra “Tầm nhìn một hành tinh về phục hồi có trách nhiệm ngành Du lịch” và “Khuyến nghị về chuyển đổi sang nền kinh tế du lịch và lữ hành xanh” khuyến khích các thành viên của G20 áp dụng nhằm tạo nền tảng cho các mô hình phát triển du lịch cân bằng, bền vững và có khả năng phục hồi cao hơn.[2]

Tại Việt Nam, trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, trong đó chỉ rõ quan điểm: 1) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; 2) Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; 3) Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…[3] Các quan điểm đó tiếp tục khẳng định định hướng phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới.

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một bộ phận cấu thành của ngành du lịch Việt Nam, được định nghĩa: “DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi” theo mục 15, điều 3 - Luật Du lịch 2017 [4]. Do đó chất liệu xây dựng lên các sản phẩm DLCĐ chính là từ các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng tại điểm đến du lịch. Xét trong các yếu tồ của thị trường du lịch thì:

Về sản phẩm của DLCĐ: cũng như các sản phẩm du lịch thông thường, thành phần cấu thành nên sản phẩm DLCĐ bao gồm tài nguyên và các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên khác biệt lớn nhất của DLCĐ với các hình thức du lịch khác là cách thức cung cấp dịch vụ, đều do người dân địa phương thực hiện và cung cấp dựa trên những nguồn lực từ chính cộng đồng: cộng đồng địa phương trưng dụng chính ngôi nhà của mình để làm chỗ ở cho khách, dịch vụ ăn uống được người dân sử dụng các nguyên liệu địa phương chế biến thành các món ăn mang đậm phong vị dân tộc của cộng đồng….

Về khách hàng: nhu cầu chính của một bộ phận lớn du khách khi tiêu dùng các sản phẩm DLCĐ là được tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân ở các nền văn hóa khác nhau, được khám phá thiên nhiên xung quanh khu vực cộng đồng bản địa sinh sống, ngoài ra có không ít khách DLCĐ có nhu cầu được tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo giúp đỡ cộng đồng bên cạnh việc trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Vì thế, khách DLCĐ cũng có những đặc điểm khác biệt so với các loại hình du lịch khác như: tôn trọng các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử; tìm kiếm sự tương tác với con người, lối sống và các nền văn hóa riêng biệt của các cộng đồng; quan tâm tới tác động của du lịch đối với môi trường và các giá trị bền vững khác … Do đó, nhu cầu của họ về các sản phẩm dịch vụ DLCĐ thường khá đơn giản, không quan tâm nhiều tới những tiện nghi trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ du lịch bởi điều họ quan tâm trong chuyến đi của mình là những trải nghiệm về cuộc sống và các giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương. Như vậy có thể nói, DLCĐ phần nào là một hình thức của du lịch xanh, gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và cải thiện nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa, mang lại lợi ích trực tiếp và bền vững cho người dân địa phương; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương.

2. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng tiêu dùng xanh

Tây Bắc là một vùng đất rộng lớn gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, đây là vùng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Tây Bắc là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Đến nay nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, chợ phiên, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Cầu An, Lễ hội Cầu Mưa, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà bọc đất nướng, cá suối nướng lá, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… Những yếu tố trên là sự hấp dẫn đối với du khách thích khám phá và trải nghiệm, đồng thời cũng tạo cho vùng Tây Bắc những ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm - những loại hình du lịch gắn với xu hướng tiêu dùng xanh.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh
Dã bánh Dày trong Lễ hội của người Hà Nhì

Với xu hướng du lịch hiện nay của đa số du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa. Mô hình du lịch cộng đồng phát triển thể hiện qua việc gia tăng các cơ sở cung cấp dịch vụ homestay: Lai Châu có 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tại 11 điểm du lịch cộng đồng (8/2020) [6]; Lào Cai có 324 hộ kinh doanh dịch vụ homestay (riêng thị xã Sapa chiếm 85%) (5/2022) [5]; Yên Bái có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ homestay [7]... Ngoài dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như khám phá văn hóa, khám phá tự nhiên, du lịch mạo hiểm… Trong đó, hấp dẫn du khách nhất và có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng là các dịch vụ được khai thác trên cơ sở phát huy văn hóa bản địa: đồng bào dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ Tả Phìn; đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Lự… khai thác truyền thống thêu trang trí trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay rất độc đáo… Tại Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng, có thể kể đến bản văn hóa, du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Nà Khương; bản Hon (huyện Tam Đường); San Thàng 1 (xã San Thàng); bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng, Tp Lai Châu)… Nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách được hình thành, nhiều đội văn nghệ phục vụ khách được thành lập, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như HTX Nà Cang làm bánh của dân tộc Giáy – San Thàng; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự ở bản Hon; nghề rèn của dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ, tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Sìn Hồ.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh

Một điểm “săn mây” tại Homestay Y Tý Clouds, thôn Mò Phú Chải, Y Tý, Bát Xát, Lào Cai

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh

Tại Sơn La, tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó chú trọng xây dựng đội văn nghệ dân gian biểu diễn hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc. Các sản phẩm trích đoạn lễ hội truyền thống các dân tộc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của khách du lịch như: Lễ hội Kin Pang Then, huyện Quỳnh Nhai, Lễ hội Hết chá huyện Mộc Châu, Lễ hội Hoa ban huyện Vân Hồ, Lễ hội Mừng cơm mới huyện Mường La… Sản phẩm, khu, điểm du lịch, bản du lịch cộng đồng phát triển phong phú cả về bề rộng lẫn chiều sâu theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng sản phẩm độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La tập trung phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, làm mới sản phẩm: Huyện Mộc Châu phát triển bản du lịch cộng đồng Tà số; khu phố đi bộ - Chợ đêm, bản du lịch cộng đồng bản Dọi, bản du lịch Nà Sàng. Huyện Mai Sơn đưa khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi vào hoạt động gắn phát triển du lịch. Huyện Mường La xây dựng sản phẩm “Du lịch thủy điện Sơn La - Công trình lớn nhất Đông Nam Á”, phát triển du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Huyện Quỳnh Nhai phát triển du lịch sinh thái lòng hồ; du lịch trải nghiệm của HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX du lịch cộng đồng Bản Bon; Khu du lịch văn hóa tâm linh Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han, Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát; Tượng đức Phật A Di Đà ...

Bên cạnh việc phát triển mô hình DLCĐ, vùng Tây Bắc cũng kết hợp mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với nhiều sản phẩm mang đặc trưmg văn hóa nông nghiệp của các vùng Tây Bắc trong những năm gần đây. Phát triển du lịch nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, tiêu biểu như trang trại trồng rau, hoa cao cấp tại các xã Mường Hoa, Tả Phìn (Sa Pa) và Tà Chải (Bắc Hà).

Để phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của mình, các tỉnh Tây Bắc đã xây dựng đề án kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch để lựa chọn những vùng thích hợp để thực hiện thí điểm đề án. Mô hình du lịch này dự kiến sẽ giúp đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc và bảo vệ môi trường. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ du khách đến Lai Châu nói chung và đến các điểm du lịch cộng đồng nói riêng, Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu đã tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đặc biệt là người dân tham gia vào cung cấp dịch vụ du lịch. Sở VHTT&DL đã tranh thủ sự hỗ trợ của dự án EU, nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn như kỹ năng đón tiếp khách, kỹ năng homestay, thuyết minh viên theo tiêu chuẩn VTOS, kỹ năng chế biến các món ăn… Tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rau màu và các thực phẩm sạch. Đặc biệt, tỉnh có nhiều chính sách đầu tư để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tiêu dùng xanh tại các điểm du lịch ở vùng Tây Bắc, với tiềm năng và ưu thế phát triển các loại hình du lịch cộng đồng hướng đến tiêu dùng xanh nhưng hiện tại lượng khách đến Tây Bắc còn rất khiêm tốn so với các khu vực khác. Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tiêu dùng xanh ở các địa phương trong vùng Tây Bắc vẫn còn mang tính tự phát, cục bộ.

Nhiều địa phương, công ty du lịch cố gắng xây dựng và khai thác một số chương trình, tuyến du lịch với sản phẩm đặc trưng là du lịch cộng đồng mang đặc điểm của tiêu dùng xanh như việc trải nghiệm không gian thiên nhiên gắn với tiêu dùng các sản phẩm xanh (nông nghiệp hữu cơ), song quy mô còn nhỏ lẻ và hình thức chưa thật rõ nét nên khả năng thu hút du khách còn hạn chế. Mặt khác, việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý, nhân viên phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các địa phương còn lúng túng trong triển khai các chính sách phát triển du lịch nói chung, phát triển du lịch đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh nói riêng. Mặc dù trên địa bàn đã có các quy hoạch khu du lịch quốc gia được xây dựng và công bố nhưng đầu tư thế nào, quản lý phát triển ra sao từ các cơ sở dịch vụ, các điểm du lịch đến các khu du lịch... còn chưa triển khai bài bản, đồng bộ dẫn đến hình ảnh du lịch vùng Tây Bắc vẫn nhạt nhòa, chưa có sự kết hợp giữa bốn “nhà” với nhau (quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân địa phương). Trong khi đó, để thực sự hiệu quả trong khai thác các loại hình du lịch đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh rất cần đến những mô hình chuẩn mà các địa phương có thể áp dụng được trong việc phát triển du lịch đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh của địa phương mình.

Cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của khách; công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch tại nhà chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, vấn đề giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống... đang là những thách thức lớn.

3. Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh

Dưới sự tác động của Covid-19, mọi người khắp nơi trên thế giới đang quay trở lại những giá trị du lịch cốt lõi và tìm lại sự an toàn khi đi du lịch. Khách du lịch quan tâm hơn đến việc phải sống trách nhiệm với các tài nguyên thiên nhiên và những giá trị được tạo hóa ban sẵn. Sự kết hợp hài hòa giữa các bản sắc thiên nhiên, văn hóa cộng đồng và sự quản lý của Chính phủ sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Việc xây dựng và áp dụng mô hình để làm sao phát triển DLCĐ đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh đối với khu vực Tây Bắc trong thời gian tới là vô cùng quan trọng. Mô hình được chia làm 3 cấp nhằm phù hợp với từng cấp độ phát triển của địa phương. Do nhiều địa bàn đã có sự phát triển du lịch lâu đời, có uy tín, thương hiệu, tuy nhiên trình độ phát triển của địa phương có sự khác nhau. Để phát triển DLCĐ đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, gắn phát triển DLCĐ với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo của các dân tộc trong đó DLCĐ sẽ tập trung lấy cộng đồng dân tộc làm trung tâm để phát triển. Phục hồi, phát huy chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của mỗi cộng đồng để phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế và tinh thần cho cộng đồng đó. Xây dựng mô hình DLCĐ dựa trên nền tảng cái cộng đồng có, không nên trên cái cộng đồng cần, từ đó phát huy được tối đa nguồn lực địa phương. Chính sự tham gia của cộng đồng trong việc tạo ra và bảo vệ các giá trị văn hoá riêng từ mỗi thôn, mỗi làng sẽ tạo nên sự phát triển bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh
Rước dâu người Dao Đỏ - Ảnh Bảo Đại

Hai là, gắn kết DLCĐ với du lịch nông nghiệp, phát triển mô hình hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với DLCĐ. Phát triển một số sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với phát triển du lịch có quy mô, tập trung, tạo bước đột phá để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Qua đó, thúc đẩy sản xuất nông sản phù hợp với sinh thái, văn hóa địa phương, tạo ra các sản phẩm đặc sản cung cấp ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh
Lê tai nung, Nậm Pung - Ảnh Như Quỳnh

Đẩy mạnh và tinh gọn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Các địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm du lịch, từ ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.

Ba là, hoàn thiện khung thể chế gồm các biện pháp đảm bảo, các chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung và DLCĐ nói riêng theo xu hướng tiêu dùng xanh như ban hành chiến lược, quy hoạch tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch của địa phương, chính sách tạo điều kiện về tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch xanh, xây dựng nguồn nhân lực xanh, quy định về thay đổi phương thức vận hành trong các hoạt động du lịch… Cách thức quản lý du lịch cộng đồng liên quan đến mối liên hệ giữa các thành phần trong hệ sinh thái rất phức tạp, bắt buộc phải có công nghệ kết nối để có thể đo lường được các thông số, mối quan hệ…

Bốn là, chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính đồng bộ, trong đó cần tranh thủ sự giúp đỡ tài chính và kỹ thuật của Trung ương và các tổ chức, đối tác quốc tế. DLCĐ là cơ chế chính sách giúp địa phương trở nên có sức sống hơn, năng động hơn và kết nối mạng lưới dễ dàng hơn. Cần tận dụng và khai thác nguồn lực con người - các chuyên gia; mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương phải thay đổi chính mình - tiếp thu tri thức, hình thành văn hóa mới, liên kết với nguồn lực khác. Cần phải có tri thức để cung cấp, thiết kế các gói dịch vụ chạm đến cảm xúc của du khách. Việc giao lưu, thu hút du khách đến trải nghiệm vừa phát triển các sản phẩm về nông nghiệp, ẩm thực, thương hiệu của địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm là, phân tích bối cảnh của địa phương để xây dựng mô hình DLCĐ xanh phù hợp nhất, trên cơ sở tận dụng sức mạnh tổng hợp của ba khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, điều chỉnh và cân bằng một cách hiệu quả giữa mục tiêu tăng trưởng xanh mong muốn và nguồn lực đầu tư, sự đánh đổi của kinh tế/môi trường/xã hội và những rủi ro có thể xảy đến trên cơ sở cần có một quy trình và cách thức hình thành dựa trên lợi thế của địa phương (thiên nhiên, văn hóa, lịch sử…), sau đó phải khảo sát và khuyến khích, cam kết với địa phương để hình thành nên mô hình du lịch cộng đồng. Để hình thành nên một mô hình DLCĐ xanh thì cần dựa trên những lợi thế của địa phương với nhiệt huyết, niềm đam mê của những người tiên phong. Việc nhận thức được đầy đủ và liên kết được 3 nhà: Nhà nước-doanh nghiệp-người dân, 3 bên cùng hợp tác và giám sát lẫn nhau rất chặt chẽ, từ đó vừa có thể duy trì được năng lực của cộng đồng vừa bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh
Học viên lớp du lịch cộng đồng tại Choản Thèn - Ảnh Như Quỳnh

Sáu là, xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng cho du lịch, gắn kết với hạ tầng giao thông, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, cung ứng dịch vụ thân thiện để thu hút và giữ chân khách du lịch. Nâng cao khả năng kết nối giao thương cho vùng, kết nối các vùng trung tâm của tỉnh với các tuyến đường cao tốc đã và đang hình thành để nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự bình đẳng giữa các địa phương trong hưởng lợi từ các dự án giao thông. Ví như, nghiên cứu, đầu tư thêm đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với Lai Châu, Hòa Bình-Mộc Châu, nâng cấp Quốc lộ 279, nghiên cứu cho chiến lược với tầm nhìn và kế hoạch trung hạn để nâng cấp, xây dựng các sân bay ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên và nhu cầu cấp thiết để kết nối đường bộ, đường không các tỉnh với nhau. Kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, trong đó có Hà Nội với bên ngoài để liên kết, chia sẻ, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm nghiệp, giảm chi phí logistics, thu hút các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy du lịch phát triển.

Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây bắc gắn với xu hướng tiêu dùng xanh
Công viên Choản Thèn - Ảnh Bùi Trung Nguyên

Tài liệu tham khảo:

1. Tiêu dùng xanh ở một số quốc gia trên thế giới, https://moit.gov.vn ngày 05/10/2021

2. Vũ Hoài Phương, Nguyễn Thị Vinh Hương, Nguyễn Xuân Thắng (2022), Thực hiện tăng trưởng xanh trong các doanh nghiệp du lịch, Tạp chí Môi trường, số 7/2022 http://tapchimoitruong.vn/phap-luat--chinh-sach-16/thuc-hien-tang-truong-xanh-trong-cac-doanh-nghiep-du-lich-26870

3. Chính phủ (2020), Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020

4. Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch, Hà Nội, tr2.

5. Lào Cai có trên 1.000 cơ sở lưu trú, http://laocaitv.vn/van-hoa-du-lich/lao-cai-co-tren-1000-co-so-luu-tru ngày 23-05-2022

6. Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng để thu hút du khách, https://vietnamtourism.gov.vn/post/33785 ngày 22/08/2020

7. Phạm Lê Thảo (2022), Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Tây Bắc, Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022.

TS. Nguyễn Đức Chính - Học viện Chính trị khu vực I
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động