Thái Bình

Phát triển rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái tại huyện Thái Thụy

26/03/2024 15:05 Đa dạng sinh học và ứng phó BĐKH
Cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt phần diện tích rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã và đang tích cực triển khai các chương trình, dự án trồng mới, trồng phục hồi, làm giàu những cánh RNM ven biển, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy vai trò, chức năng phòng hộ và tạo thu nhập cho người dân trong vùng.

Nhân lên giá trị xanh

Phát triển rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái tại huyện Thái Thụy
Người dân xã Thụy Hải (Thái Thụy) tham gia trồng RNM.

Thái Thụy hiện có 2.675 ha RNM, tập trung tại 5 xã ven biển (Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng), chủ yếu trồng các loại cây: trang, bần, sú, mắm… với mật độ trông được trồng 1.600 - 2.500 cây/ha từ các nguồn vốn dự án, chương trình trong và ngoài nước. Nhận thức được tầm quan trọng của RNM trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, những cánh RNM của huyện ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tạo thành những “lá chắn xanh” bảo vệ hiệu quả cho những tuyến đê biển, cho làng mạc, dân cư…

Ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân cho biết: Xã có diện tích RNM 426 ha, diện tích thành rừng 322 ha. Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển RNM ở địa phương được nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ trồng để ngăn sóng gió, bão. Để bảo vệ diện tích RNM, địa phương đã giao khoán cho 5 gia đình trực tiếp quản lý. Định kỳ hàng tháng, các hộ dân phải thông báo những thông tin cụ thể về diện tích rừng được khoanh nuôi.

Nằm trong đội chăm sóc và bảo vệ rừng, ông Nguyễn Trọng Thỏa, thôn Bình An (Thụy Xuân) tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, sống gắn bó với rừng và phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Tôi đã nhận khoán chăm sóc và bảo vệ 50ha RNM ở địa phương. Hàng ngày, tôi đánh bắt thủ công các loại thủy hải sản như ốc, cua, cáy... ở ven khu rừng, thu nhập 300 - 500 nghìn đồng/ngày. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, kịp thời phát hiện hành vi khai thác rừng, xâm hại rừng, tôi tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ rừng, chỉ khai thác thủy hải sản bằng phương pháp thủ công. Chính vì vậy, thời gian qua không có tình trạng chặt phá rừng, diện tích rừng đã được khép tán, không diễn ra việc đánh bắt thủy hải sản bằng các phương tiện hủy diệt.

Cùng với Thụy Xuân, tại các xã Thụy Trường, Thái Thượng, Thái Đô những năm gần đây công tác bảo vệ và phát triển RNM cũng được thực hiện hiệu quả.

Ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng chia sẻ: Xã có trên 6km bờ biển, 347ha RNM. Để có được những cánh rừng xanh tốt như hiện nay, chính quyền xã và các đoàn thể đã vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực rừng phòng hộ ven biển. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp xâm hại RNM.

Chung tay bảo vệ và phát triển diện tích RNM ở địa phương, chị Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy chia sẻ: Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, đầu tháng 3/2024, với chủ đề “Ra quân trồng rừng ngập mặn - vì một Việt Nam xanh”, Huyện đoàn Thái Thụy đã huy động hơn 200 đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn trồng 800 cây bần, cây phi lao ở xã Thụy Xuân. Qua hoạt động này chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về ý nghĩa của RNM; đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

RNM của huyện Thái Thụy đang phát triển và ngày càng được mở rộng. Môi trường sinh thái được cải thiện, rừng mọc đến đâu tôm, cua, cáy... chen chân về sinh sống tới đó tạo sinh kế cho người dân trong vùng.

Sinh kế từ những cánh rừng

Không chỉ được ví như “bức tường xanh”, “dải đê mềm” chắn sóng, ngăn bão, gió, RNM còn mang lại nguồn lợi thủy sản vô tận, tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân yên tâm đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn; xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng.

Chị Nguyễn Thị Phương, người dân xã Thái Thượng chia sẻ: Nhờ có RNM mà đời sống của người dân được ổn định. Chúng tôi mừng vì rừng nuôi sống chúng tôi. Trước đây gia đình tôi nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào đi biển nên thu nhập bấp bênh. Hàng ngày, tôi và nhiều người dân khác trong xã vào rừng bắt tôm, cua, cá... Trung bình mỗi ngày thu được từ 200.000 - 300.000 đồng đủ để trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học.

Ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng cho biết thêm: Từ khi có rừng, địa phương đã thay đổi rất nhiều, thay đổi từ cuộc sống của người dân đến thay đổi hệ sinh thái ở nơi đây. Cứ chiều đến, nhìn từng đàn cò, đàn chim lại tíu tít bay liệng trên bầu trời mà thấy bình yên đến thế. Không chỉ mang lại thu nhập cho người đánh bắt thủy hải sản mà rừng còn mang lại nguồn thu từ phấn hoa cho người nuôi ong ở khắp nơi đổ về đây.

Phát triển rừng ngập mặn bảo vệ môi trường sinh thái tại huyện Thái Thụy
RNM tại xã Thụy Trường (Thái Thụy).

Tại xã Thụy Trường, RNM còn là nơi cảnh đẹp nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến khám phá. Với diện tích trên 1.400 ha đã trở thành nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, 200 loài chim các loại trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách Đỏ thế giới tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn thích hợp phát triển du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan, nghiên cứu, khám phá, trải nghiệm. Vào mùa hè, đây không chỉ là điểm dừng chân xả hơi, thư giãn mà còn là điểm check-in độc đáo được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của RNM là lá chắn bảo vệ vùng ven biển, cửa sông; giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình bồi tụ phù sa, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái… do đó huyện Thái Thụy đã triển khai các giải pháp để tiếp tục bảo vệ và nhân rộng diện tích RNM. Trong đó làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của RNM từ đó có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ là rất cần thiết.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Năm 2024, thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp và bảo đảm công tác trồng, chăm sóc rừng, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã ven biển tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để người dân hiểu rõ và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đội quản lý rừng với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn quản lý; vận động nhân dân tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá rừng, khai thác rừng trái phép. Tập trung huy động nguồn vốn từ xã hội hóa và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động