Phương án xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 của tỉnh Thanh Hóa

14/05/2020 13:39 Quản lý nguồn thải
Với tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất, Phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/5/2020.
Đề xuất công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thanh Hóa
phuong an xu ly chat thai ran den nam 2025 tam nhin nam 2050 cua tinh thanh hoa
Thanh Hóa sẽ dừng hoạt động 11 bãi chôn lấp rác thải và 18 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ.

Dự báo, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 3.541 tấn/ngày, đến năm 2030 khoảng 4.049 tấn/ngày, đến năm 2050 khoảng 5.241 tấn/ngày; Chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại đến năm 2025 khoảng 1.074.123 tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 1.986.784 tấn/năm và đến năm 2050 khoảng 1.675.066 tấn/năm; Chất thải rắn y tế đến năm 2025 khoảng 16,7 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại là 2,65 tấn/ngày, đến năm 2030 khoảng 18,6 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại là 2,95 tấn/ngày, đến năm 2050 khoảng 22,1 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại là 3,5 tấn/ngày; Chất thải rắn xây dựng đến năm 2025 khoảng 193.879 tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 221.665 tấn/năm, đến năm 2050 khoảng 286.965 tấn/năm; Chất thải rắn là bùn cặn từ hệ thống thoát nước chung của các đô thị và các công trình vệ sinh đến năm 2025 khoảng 245.911 m3 /năm, đến năm 2030 khoảng 254.007 m3 /năm, đến năm 2050 khoảng 289.149 m3 /năm.

Thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích thực hiện phân loại tại nguồn thành 03 loại: Chất thải rắn hữu cơ (rau, quả, thức ăn thừa...); chất thải rắn vô cơ có thể tái chế (giấy, nhựa, nilon, kim loại...); các loại chất thải rắn còn lại. Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch các khu xử lý liên huyện.

Chất thải rắn công nghiệp được phân thành 02 loại: Chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại. Chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn thực hiện thu gom, vận chuyển hoặc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn nguy hại với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại theo quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại.

Chất thải rắn y tế được phân thành 02 loại: Chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường. Trong đó chất thải rắn y tế thông thường tiếp tục được phân loại như chất thải rắn sinh hoạt. Đối với chất thải rắn y tế nguy hại, thực hiện thu gom, vận chuyển trực tiếp từ cơ sở y tế đến cụm xử lý chất thải rắn y tế tập trung theo quy hoạch.

Chất thải rắn xây dựng, bùn thải (bao gồm bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải bể tự hoại) được phân thành các loại có thể tái chế, tái sử dụng. Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường. Thực hiện thu gom, vận chuyển bùn thải đến các cơ sở xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Phương án xử lý chất thải rắn

Các cơ sở xử lý chất thải rắn đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đảm bảo chất thải rắn được thu gom phù hợp với công suất, quy mô của cơ sở xử lý chất thải. Địa điểm xây dựng các khu xử lý có khả năng phục vụ liên vùng đối với các nguồn thải gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm đất và giảm ô nhiễm môi trường.

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên huyện có 03 khu cụ thể:

+ Khu xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn: Phạm vi thu gom, xử lý cho toàn bộ thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 12 xã phía Tây thuộc huyện Quảng Xương; Các KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; diện tích khu xử lý 25 ha; công nghệ xử lý hỗn hợp; công suất khu xử lý 500 - 1.000 tấn/ngày;

+ Khu xử lý chất thải rắn liên huyện tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn: Phạm vi thu gom toàn bộ Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, 03 xã của huyện Như Thanh (Yên Lạc, Thanh Tân, Thanh Kỳ) và 03 xã của huyện Nông Cống (Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính). Diện tích khu xử lý 80,4 ha; công suất khu xử lý 500-1.000 tấn/ngày.

+ Khu xử lý chất thải rắn liên huyện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (trong trường hợp Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa tiếp tục đầu tư): Phạm vi thu gom toàn bộ thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và 03 xã thuộc huyện Nga Sơn (Nga Vịnh, Ba Đình, Nga Trường). Diện tích khu xử lý 11,0 ha; công suất khu xử lý 500 -1.000 tấn/ngày.

Đối với khu xử lý của các huyện, toàn tỉnh bố trí 28 khu xử lý của từng huyện; trong đó, các huyện vùng đồng bằng, ven biển, miền núi thấp mỗi huyện 01 khu xử lý bằng công nghệ đốt hoặc công nghệ hỗn hợp; các huyện miền núi cao (Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát), mỗi huyện có 02 khu chôn lấp hợp vệ sinh.

Khu xử lý chất thải rắn y tế tiếp tục thu gom xử lý tại 09 cụm xử lý chất thải y tế tập trung theo Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế. Thời gian tới thêm 02 cụm xử lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát và Quan Sơn.

Khu xử lý chất thải rắn nguy hại, gồm có: Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn; Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty cổ phần Môi trường Việt Thảo tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy Xi măng Nghi Sơn của Công ty Xi măng Nghi Sơn tại xã Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn (Chỉ xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong nội tỉnh Thanh Hóa); Đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung clanhke của các nhà máy xi măng khác như: Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Nhà máy Xi măng Công Thanh và Nhà máy Xi măng Đại Dương (Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, nguy hại và bùn thải phát sinh trong nội tỉnh Thanh Hóa).

Khu xử lý chất thải rắn xây dựng và bùn thải: Chất thải rắn xây dựng được tận dụng, tái sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, phần không xử lý đưa về khu xử lý chất thải rắn của các huyện; bùn thải đưa về các vị trí quy hoạch trồng cây xanh cách ly theo quy hoạch đô thị.

Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn của từng địa phương. Ưu tiên các công nghệ trong nước, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương. Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Công nghệ hỗn hợp (chế biến phân bón hữu cơ, tái chế phế liệu kết hợp đốt); công nghệ đốt (đốt thu hồi năng lượng hoặc đốt không thu hồi năng lượng), chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp đối với 05 huyện miền núi cao (Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát). Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường: Áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng, công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp. Đối với chất thải rắn nguy hại: Công nghệ xử lý hóa lý, làm sạch thu hồi nguyên liệu, công nghệ đốt, đóng rắn để chôn lấp. Đối với chất thải rắn y tế: Công nghệ vi sóng kết hợp nghiền cắt chất thải. Đối với chất thải rắn xây dựng và bùn thải: Tái chế, chôn lấp hợp vệ sinh.

Trong giai đoạn 2020-2025, dừng hoạt động 11 bãi chôn lấp rác thải và 18 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ.

Dương Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động