Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý rác thải nhựa

09/12/2020 12:16 Quản lý nguồn thải
Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quản lý chất thải nhựa, với mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương vào năm 2025.
Kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương

Tại hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCS TN&MT) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức ngày 8/12, tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện CLCS TN&MT cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới, tạo ra 8 triệu tấn rác thải nhựa trên các đại dương mỗi năm. Nhựa chiếm từ 10-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Trong năm 2019, ước tính có khoảng 2,6-2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

Trong đó, nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chất thải nhựa có giá trị tái chế (chai nước, bao nilon...) được thu gom từ nhiều nơi (hộ gia đình, siêu thị...). Chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt. Nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất, hầu hết được thu gom, bán cho cơ sở tái chế.

Việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có túi nilon chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp. Nhựa phế liệu chủ yếu được tái chế thành hạt nhựa và các sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất, tuy nhiên, do phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn chưa tốt nên giá trị thu hồi còn thấp.

tap trung hoan thien he thong chinh sach quan ly rac thai nhua
Hình ảnh tại Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Với những đặc tính bền, khó phân hủy của rác thải nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả khó lường đối với sức khỏe con người và vạn vật trên trái đất. Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; và Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam có Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại..., giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương...

Coi việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa là nhiệm vụ trong tâm, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường thực hiện xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và các văn bản quy định chi tiết Luật theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về: quản lý chất thải nhựa tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái; rà soát, đề xuất hoàn thiện hoặc phối hợp xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa và túi ni lông có nguồn gốc từ nhựa tái chế, các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; đề xuất quy định và lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón....

Tổng cục cũng nghiên cứu, đề xuất chính sách và quy định pháp luật hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần; nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phân loại chất thải nhựa tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.

Tổng cục xây dựng, hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam theo hướng tích hợp các đề án, chương trình, hành động về chất thải nhựa hiện có để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và tập trung nguồn lực; tổng kết việc thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và đề xuất giải pháp hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tích hợp vào Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động