Thái Nguyên kiểm soát chặt chẽ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

27/05/2023 16:11 Quản lý nguồn thải
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tỉnh tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về môi trường khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, đặc biệt là việc xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và xử lý nước thải của Khu công nghiệp Trung Thành, Khu công nghiệp Sông Công II, đóng cửa các bãi chôn lấp rác không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thái Nguyên kiểm soát chặt chẽ nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm ở Khu công nghiệp Trung Thành (Ảnh sưu tầm)

Tỉnh tổ chức thực hiện dự án "Thiết lập hệ thống quản lý chất thải bền vững của tỉnh Thái Nguyên thông qua giảm thiểu và thu hồi tài nguyên từ chất thải" trong chương trình hợp tác với tổ chức KOICA; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải, tái chế phế liệu, khai thác khoáng sản; tiếp tục duy trì kế hoạch quan trắc môi trường theo định kỳ, theo dõi kết quả quan trắc môi trường tự động nguồn thải.

Trong giai đoạn mới, Thái Nguyên hỗ trợ các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa và các xã nông thôn mới hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án về điều tra, đánh giá tình trạng môi trường, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, kiểm soát nguồn thải, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, xây dựng kế hoạch ứng phó sự số chất thải, sự cố môi trường...

Theo đánh giá mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, sau 2 năm thực hiện Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể, chất lượng nước sông Cầu có xu hướng được cải thiện, tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 85%, tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom đạt khoảng 50%, chất thải nguy hại được xử lý theo quy định đạt gần 96%. Đáng lưu ý, số cơ sở tại tỉnh lắp đặt quan trắc tự động liên tục đối với khí thải theo quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đạt khoảng 73%; 6/7 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải, đạt 85,7%; số cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng và có hệ thống xử lý nước thải đạt 33%; số dự án đầu tư mới thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật chiếm hơn 95%...

Tuy vậy, thực tế hiện nay, công tác bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật một số khu, cụm công nghiệp, khu dân cư chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường; tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn và nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý còn thấp; một số huyện, xã vẫn duy trì các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Vấn đề ô nhiễm môi trường nước do hoạt động chăn nuôi và ô nhiễm môi trường không khí vẫn có chiều hướng gia tăng, còn có tình trạng phát triển cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không phù hợp với quy hoạch, tỷ lệ trang trại chăn nuôi tập trung có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới đạt khoảng 21%. Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nằm trong các khu dân cư tập trung chưa được di dời hoặc đổi mới công nghệ sản xuất./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động