Thay đổi cơ chế chính sách để thống nhất quản lý chất thải rắn
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì. Cùng tham dự còn có ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, các cơ quan hợp tác quốc tế, Sở TN&MT, các cơ quan nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh môi trường trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp, cơ sở xử lý chất thải.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, công tác quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Do đó, việc đề xuất được mô hình quản lý thống nhất về CTR cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR dự kiến được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo
Tập trung kiến nghị định về cơ chế chính sách
Tại Hội thảo, có 7 báo cáo tham luận của các Bộ, ngành và địa phương; 01 báo cáo về kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý nhà nước về CTR. Các đại biểu tập trung đánh giá các tồn tại, hạn chế trong các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTR hiện nay, đặc biệt là các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành, địa phương; các cơ chế chính sách đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR; quy hoạch quản lý CTR; định mức, đơn giá thu gom xử lý CTR.
Nhiều ý kiến cho rằng, để kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm và giảm thiểu ô nhiễm do CTR thì vai trò của chính quyền các địa phương là vô cùng quan trọng. Các giải pháp sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của chính quyền các địa phương. Các đại biểu, đặc biệt là đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật để bảo đảm phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR trong thời gian tới.
Đơn cử như đại diện Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật quy trình quản lý CTRSH (thu gom, vận chuyển, xử lý) theo NĐ 38/2015/NĐ-CP. Bổ sung quy định về yêu cầu, quy trình, nhân sự, nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát cung ứng dịch vụ vệ sinh đô thị. Đồng thời, hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại, xử lý tro xi tro bay tại các khu đốt rác phát điện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Sở TN&MT TP Hải Phòng cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất về trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ cấp Trung ương đến địa phương đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chuyển chức năng của Sở Xây dựng về “quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng về Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương”.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan: Xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định về lĩnh vực môi trường; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các nội dung hướng dẫn, quy định về: số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với: hạ tầng các khu vực, cơ sở thực hiện xử lý; trang thiết bị thu gom,vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo
Bộ TN&MT đang rà soát sửa đổi các văn bản luật
Về vấn đề văn bản chính sách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Nghị Quyết số 09/NQ-CP của Chính Phủ, Bộ TN&MT được giao là đầu mối thống nhất quản ý nhà nước về CTR và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn, điều này đã tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về CTR trên cả nước. Nhằm thực hiện Nghị Quyết số 09/NQ-CP, Bộ TN&MT đã tiến hành đánh giá, xây dựng Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; kiểm tra, đánh giá thực tế công tác quản lý CTR tại các địa phương; xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý CTR…
Đến nay, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Bộ xây dựng và trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT đã rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 khoản có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTR tại các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn của các Bộ, ngành, địa phương. Phạm vi của Nghị định sẽ tập trung điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định trong các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan, Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về CTR từ Trung ương đến địa phương). Tuy nhiên do giới hạn của dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi 04 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật nên chưa điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định còn chưa phù hợp với phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR.
Toàn cảnh hội thảo
Cần sự đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân giao cho Tổng cục Môi trường tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật trên cơ sở đổi mới tư duy, hiệu quả hiệu lực hơn thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về một số công cụ kinh tế trong quản lý CTR; biện pháp huy động nguồn lực từ xã hội; Nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý CTR phù hợp với điều kiện của các vùng, miền.
Đồng thời mong muốn Bộ Nội vụ, Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ,.. để triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho Bộ TN&MT thực hiện các hoạt động rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước về CTR tại các địa phương; kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước; tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR; thuê tư vấn quốc tế để lập quy hoạch bảo vệ môi trường.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong đó giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn, trong đó tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.