Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn

19/11/2019 18:06 Tăng trưởng xanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Đâu là "bệ phóng" tạo hiệu ứng mới cho thị trường bất động sản Vân Đồn? Sân bay Vân Đồn liên tiếp bị sét đánh đe doạ an toàn bay CEO Group: Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đang tàn phá vịnh Bái Tử Long?

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chịu trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.

Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn - ảnh MH

Mục tiêu đến năm 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí, là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương..

Bên cạnh đó, phấn đấu đưa Vân Đồn trở thành thành phố hiện đại, thông minh; một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên; đảm bảo môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh thân thiện với môi trường.

Mục tiêu quan trọng khác nữa là xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu vực phòng thủ vững chắc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội…

Theo các số liệu được đưa ra, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỉ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỉ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu. Tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 - 2025, 2026 - 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52.000 người năm 2019 lên 140.000 người vào năm 2030, tạo khoảng 89.000 việc làm; phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 03 dược sĩ/1 vạn dân...

Ngoài ra, đến năm 2030, Vân Đồn sẽ thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 170.000 người nước ngoài đến Vân Đồn; đến năm 2040 khoảng 6,0 - 9,5 triệu lượt khách…

Trước đó, tháng 6/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 - 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỉ đồng. Vốn đầu tư trong nước 75.150 tỉ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 96.400 tỉ đồng.

Cùng với kế hoạch tăng cường xúc tiến, thu hút vốn đầu tư, theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 8.350 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh dành nguồn lực và bố trí 2.400 tỉ đồng giai đoạn 2019 - 2025 để đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế Vân Đồn. Đề xuất ngân sách Trung ương cân đối nguồn lực, bổ sung cho khu kinh tế Vân Đồn 2.100 tỉ đồng giai đoạn 2019 - 2025.

Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỉ đồng trong giai đoạn 2019 - 2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ước tính, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.

T.M
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động