Thông tư 27/2019/TT-BCT: Chặn đứng phế liệu nhập khẩu ồ ạt
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian qua, lượng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh, tồn đọng tại các cảng biển, làm ảnh hưởng đến hoạt động tại cảng và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, chưa kể còn ảnh hưởng đến môi trường.
Báo cáo đánh giá công tác bảo vệ môi trường năm 2018 của Chính phủ gửi đến Quốc hội cho thấy, áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số nước trên thế giới dẫn đến phế liệu đang có nguy cơ chuyển vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Năm 2018, hơn 9,2 triệu tấn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam (tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm trước đó).
Container tồn ở cảng biển. Ảnh minh hoạ. |
Đặc biệt, có tình trạng phế liệu nhập khẩu tạm nhập vào Việt Nam rồi không được tái xuất, không tìm được chủ hàng, gây tồn đọng tại các cảng biển. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất theo hướng giảm các mặt hàng được phép kinh doanh và các doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật.
Bằng các giải pháp quyết liệt, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng container tồn đọng trên 90 ngày tại các cảng biển đã giảm mạnh, còn 7.450 container so với thời điểm cao nhất 10.124 container (tháng 11/2018). Tuy nhiên, quy định về tạm nhập tái xuất đang giao cho nhiều bộ; danh mục hàng hóa không quy định cụ thể các điều kiện đáp ứng môi trường theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2014 dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân nhập các lô hàng không đủ điều kiện về môi trường.
Do đó, nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg, đồng thời ngăn chặn nguy cơ ách tắc tại cảng và phát sinh gian lận thương mại, thẩm lậu vào thị trường nội địa trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu ban hành kèm theo thông tư này gồm một số mã hàng như: 2520 (thạch cao; thạch cao khan; thạch cao plaster đã hoặc chưa nhuộm màu, có hoặc không thêm một lượng nhỏ chất xúc tác hay chất ức chế); 2618 (xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép); 2619 (xỉ, xỉ luyện kim, vụn xỉ và các phế thải khác từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép); 2620 (xỉ, tro hoặc cặn, có chứa kim loại, arsen hoặc các hợp chất của chúng); 3818 (các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử cũng nằm trong danh mục này)…
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.