Triển vọng thu hút FDI vào thị trường sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường

20/09/2023 00:00 Nghiên cứu trong nước
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được thực tiễn minh chứng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng. Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam nói chung và thu hút FDI vào ngành Công nghiệp môi trường đã và đang có những bước tiến đáng kể.
Thu hút FDI vào các dự án bảo vệ môi trường cũng như ngành Công nghiệp môi trường đang có những bước tiến được xem là có hiệu quả
Thu hút FDI vào các dự án bảo vệ môi trường cũng như ngành Công nghiệp môi trường đang có những bước tiến được xem là có hiệu quả

Đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, FDI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra những năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam

Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kì vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Các công ty đa quốc gia như Samsung, Google, Microsoft và LG đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam. Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam.

Việt Nam cũng được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh đầu tư. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP bắt đầu có hiệu lực nên triển vọng thu hút FDI của Việt Nam rất sáng sủa. Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn cũng tăng.

Việt Nam đứng thứ 25/60 quốc gia thu hút vốn FDI hấp dẫn nhất thế giới. Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI như Indonesia, Philippines và Thái Lan nhờ cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, nhờ quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu đầy hấp dẫn. Nhận định của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam ở Đông Nam Á nổi trội, thể hiện ở tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định. Chính trị - xã hội ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt là những yếu tố luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất. Những yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%. Sự ổn định chính trị - xã hội đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khiến các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Hơn nữa, các yếu tố như thị trường tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người tăng, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài được công bố rõ ràng, cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển, tài nguyên về đất đai và nguồn lực lao động cũng sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lí thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Việt Nam có vị trí địa lí thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây Bán đảo Đông Dương. So với Ấn Độ và Indonesia - những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI ở Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn. Việt Nam gần Trung Quốc nhất, khoảng cách vận chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, Việt Nam có cộng đồng ASEAN - là thị trường với khoảng 650 triệu người, quy mô thị trường lớn hơn EU và GDP gần 4.000 tỉ USD. Thể chế chính trị của Việt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn với những quy định ưu đãi thay đổi cụ thể theo từng trường hợp.

Lợi thể thu hút FDI của Việt Nam còn được khẳng định rõ nét khi nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Trong đó, có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia của nhóm G20. Làn sóng này được kì vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, cũng như gia tăng thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang tới cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu, cũng như từ các quốc gia muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực từ tháng 12 năm 2020 được dự báo không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào Anh, mà còn thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành có lợi thế của Việt Nam. Rõ ràng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ có tính cơ động cao và đang ở trong thời kì cơ cấu dân số vàng (2007 - 2039) với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động. Chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn. Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp của Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình của các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Bên cạnh đó, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Một lý do nữa để FDI đang hướng đến Việt Nam đó là sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô thuận lợi như mức dự trữ ngoại hối cao, lạm phát được kiểm soát và sự điều hành hợp lí của Ngân hàng Nhà nước giúp VND giữ vững giá trị, ổn định hơn so với biến động của các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á. Giá điện của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng rẻ hơn.

Đây là những nhân tố thuận lợi đó giúp triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sáng sủa trong năm 2023 cũng như hướng đến năm 2030.

Triển vọng thu hút FDI vào thị trường sản phẩm ngành Công nghiệp môi trường

Đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn đạt thấp; hệ thống xử lý nước thải lạc hậu, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp gây ô nhiễm nguồn nước còn khá phổ biến; nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp môi trường còn thấp; việc xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt thực hiện chưa hiệu quả; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, nhiều địa phương trên cả nước đã chuẩn bị các phương án thu hút đầu tư từ nước ngoài bên cạnh việc tăng cường các nguồn lực hiệu quả cho đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải theo công nghệ cao; cân đối nguồn lực đầu tư các phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác thải, nhất là những phương tiện phù hợp với hạ tầng giao thông khu vực nông thôn; phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã và đang xây dựng các chính sách phù hợp để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực môi trường; tăng cường khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, nhất là xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải; tăng cường thu hút đầu tư các dự án về xử lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, các dự án phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để thu hút FDI vào phát triển sản xuất, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành Công nghiệp môi trường.

Có thể thấy, triển vọng thu hút FDI vào ngành Công nghiệp môi trường đang có xu hướng tăng nhẹ trong đó đặc biệt phải kể đến các lĩnh vực công nghệ sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo... Đây là các lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế. Có thể kể đến một lĩnh vực đang thu hút khá lớn FDI tại Việt Nam đó là điện mặt trời áp mái. Sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể tại Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các tập đoàn trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư tư nhân trong thời gian qua.

Để tăng cường thu hút được FDI vào ngành Công nghiệp môi trường, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã chuẩn bị các tiềm lực về khoa học và công nghệ; điều kiện sản xuất cũng như các điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe đến từ thị trường nước ngoài. Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp; tiếp tục cải cách, tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề. Cùng với đó, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước... nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư; trong đó, có các nhà đầu tư nước ngoài.

Một lý do nữa để khẳng định thu hút FDI vào ngành Công nghiệp môi trường đang có xu hướng tăng lên là số lượng cơ sở sản xuất các sản phẩm, thiết bị bảo vệ môi trường ngày tăng, trong đó nhiều cơ sở được đầu tư bài bản, chất lượng và có vốn 100% FDI. Các sản phẩm, thiết bị bảo vệ môi trường được đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong công nghệ, hiệu quả cũng như kiểu dáng và số lượng sản phẩm bán ra thị trường ngày càng nhiều.

Để tiếp tục thu hút FDI vào các ngành kinh tế nói chung và ngành Công nghiệp môi trường nói riêng, thời gian tới ngoài việc tiếp tục chính sách định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc bên cạnh việc tăng cường bổ sung các quy định, điều kiện để thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư và tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần triển khai hiệu quả, đồng bộ trong quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp môi trường định hướng đến năm 2030 và xây dựng cơ chế để ngành Công nghiệp môi trường phát triển đồng bộ, là cơ sở đắc lực cho phát triển các ngành kinh tế khác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đỗ Quý Thành
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động