Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020: Thúc đẩy các dự án thân thiện môi trường

14/12/2020 15:48 Tăng trưởng xanh
Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020 diễn ra từ ngày 9 – 11/12/2020. Trong khuôn khổ của Tuần lễ có 4 hội thảo với các chủ đề: Đô thị xanh và công trình xanh; Vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng; Cơ chế tài chính xanh; Thiết bị và công nghệ hiệu quả năng lượng. Ngoài ra có một phiên tọa đàm với chủ đề "Chính sách phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" và hoạt động triển lãm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Vinh danh 51 doanh nghiệp sản xuất và sử dụng vật liệu xanh
tuan le cong trinh xanh viet nam 2020 thuc day cac du an than thien moi truong

Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020.

Lễ khai mạc Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020 được Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội. Chương trình thu hút sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ dự án đầu tư xây dựng, chủ quản lý vận hành công trình, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm, vật liệu, thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học và các đối tượng khác có liên quan. Đây là sự kiện đánh dấu sự phối hợp tổ chức đầu tiên tại Việt Nam giữa UNDP và Bộ Xây dựng, đánh dấu nỗ lực của ngành Xây dựng Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần vào giảm thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã phát triển nhiều dự án, trong đó thay đổi tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng.

Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25 - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0 - 3% tổng mức đầu tư/công trình, thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ hơn 150 công trình, con số khá khiêm tốn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam hàng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Hiện nay, thế giới đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam có những thách thức riêng với tốc độ đô thị hoá đạt 39,2% và được dự báo sẽ tăng đến 50 – 52% vào năm 2030, cùng sự bùng nổ ngành xây dựng với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10%. Ngành xây dựng là lĩnh vực có mức độ phát thải khí nhà kính cao nhất và cũng tiêu thụ tài nguyên vào loại nhiều nhất.

Việc phát triển các công trình xanh cũng là vấn đề đặc biệt cần trên toàn cầu để tiết kiệm năng lượng, cũng như giảm hiệu ứng nhà kính mà mỗi quốc gia cần phải thực hiện một cách triệt để và tại Việt Nam cũng được thực hiện tốt thông qua các chương trình tuần lễ công trình xanh được thực hiện hàng năm. Điều đó cũng chính là sự thể hiện cam kết của Việt Nam trong công ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, mục đích của Tuần lễ nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách cùng các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; đồng thời thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động